IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
10 địa điểm thăm quan An Giang nhất định phải đến mùa nước nổi
Nếu có dịp du lịch về miền Tây xinh đẹp và ghé thăm mảnh đất An Giang thì các bạn nhớ bỏ túi 10 địa điểm cực kì ảo diệu được mọi người săn đón nhé! Có vách núi dựng đứng sừng sững, nó hồ nước xanh thẫm như tuyệt tình cốc, có chùa nguy nga tráng lệ như nước ngoài luôn chứ cũng không phải xoàng đâu!
- Hồ Latina (Hồ Ô Thum)
Hồ Latina nằm dưới chân Núi Cấm, giáp ranh Tịnh Biên – Tri Tôn, An Giang, điểm nổi bật của Latina là có các vách đá cao to, xen kẽ những bụi lau già bạc, những bụi cỏ hồng, cỏ tuyết phơ phất, như một vách tường bảo vệ dòng nước trong xanh dưới hồ.
Đặt chân tới Latina, nhiều bạn trẻ sẽ thỏa sức sống ảo, rồi nằm thả mình trên những tảng đá, tận hưởng thiên nhiên khí trời hòa quyện. Khu vực này ít nhà ở nên khá vắng vẻ, bạn nên đi theo nhóm và đi vào ban ngày để đảm bảo an toàn.
Để đến được Latina, bạn có thể chạy từ đường tỉnh lộ 948 đi qua Núi Cấm tới An Hảo, rồi chạy tới quán cafe Hương Sen rồi quẹo vào đường mòn là tới.
- Rừng tràm Trà Sư
Nếu đi xe máy thì chúng ta sẽ chạy thẳng từ Sài Gòn đến Châu Đốc và từ Châu Đốc du khách có thể chạy xe theo hướng đi Tri Tôn, hướng đến thị trấn Nhà Bàng, sau khi qua THPT Tịnh Biên chúng ta sẽ rẻ phải hoặc hỏi người dân đường kênh Trà Sư ở đâu và men theo đó mà đi.
Còn nếu chúng ta không đi xe máy từ Sài Gòn thì các bạn có thể đón xe khách xuống Long Xuyên từ bến xe miền Tây, sau đó thuê xe máy để xuống Châu Đốc hoặc xe buýt, từ Châu Đốc có 1 tuyến xe buýt đi thẳng tới Tịnh Biên và các bạn hỏi trạm xuống rừng tràm Trà Sư, ở đây từ trạm xe buýt đi bộ vô hơi xa nên cũng hơi phê tí nha.
Vào đến rừng tràm Trà Sư các bạn liên hệ với nhân viên để mua vé. Giá vé 75.000 đồng/1 người. Xuồng máy sẽ đưa bạn vào sâu trong rừng sau đó bạn sẽ được đi xuồng nhỏ hơn để tham quan, tha hồ chụp ảnh. Theo lời những người hướng dẫn ở đây thì rừng đẹp nhất vào mùa nước nổi thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.
- Núi và hồ Tà Pạ
Tuy nằm cách trung tâm thị trấn Tri Tôn chưa đầy một cây số, nhưng núi Tà Pạ lại mang vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí. Trên đỉnh núi cao chưa tới 200 m này có ngôi chùa Khmer lớn và một hồ nước được bao quanh bởi những vách đá. Trên đỉnh núi có một hồ sâu với làn nước xanh màu ngọc bích, gọi là hồ Tà Pạ. Hồ là dấu vết còn sót lại của quá trình khai thác đá, có biển cảnh báo độ sâu lên tới 17 m. Dù chỉ là vô tình được tạo ra nhưng đã trở thành một cảnh quan hấp dẫn, thu hút rất nhiều khách đến tham quan mỗi ngày.
- Núi Ông Két
Núi Két (Anh Vũ Sơn) hay còn được người dân từ xa xưa là núi Ông Két, cao 225m, thuộc ấp núi Két, xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên). Trên núi Ông Két có gần 20 điểm tham quan, điện thờ tự, được gắn với các truyền thuyết lịch sử, tôn giáo vùng Thất Sơn. Mỗi điện thờ có một tích riêng, như: Điện Năm Non Bảy Núi, mẹ Quan Âm Nam Hải, điện Phật Vương, điện Chiến sĩ Cách mạng, hang Điện có hài cốt chiến sĩ, Sân Tiên, Giếng Tiên…
- Hồ Soài So
Hồ Soài So nằm ở sườn phía Đông núi Cô Tô, thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Nằm ở cuối đường hẻm đối diện với chùa Tà Pạ là nơi tọa lạc của hồ. Hồ có diện tích 5 hecta, chứa 400.000m vuông nước, vừa là điểm du lịch hấp dẫn, vừa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu trong vùng. Là một hồ nước nhân tạo, Soài So vẫn sở hữu cho mình những nét đẹp thiên nhiên đầy thơ mộng và một phong cảnh hữu tình say đắm lòng người.
- Chợ Châu Đốc
Nằm ở phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang chợ Châu Đốc được mệnh danh là thiên đường các loại mắm và đồ ăn vặt. Nếu là một tín đồ sành ăn thì khi đi đến An Giang bạn nhất định nên thử ghé qua địa điểm này để thưởng thức đặc sản của vùng Tây Nam Bộ nhé!
Khu chợ có rất nhiều mặt hàng phong phú, chợ họp từ sáng sớm đến tầm trưa là tan rồi nên bạn nào muốn ghé qua thì tranh thủ đến buổi sáng nhé. Được mệnh danh là “thiên đường mắm” hẳn phải có lý do của nó, có hơn 30 loại mắm được bày trên quầy từ mắm thái, mắm sặc, mắm trê, mắm lóc đến mắm rô, mắm trèn, mắm cá linh, mắm phi lê, dưa mắm…
Ngoài các loại mắm đặc trưng của vùng, chợ còn là nơi bày bán các loại đặc sản khác của vùng. Bạn có thể tìm được thốt nốt, mây gai, quả say để thử qua, mấy món quà quê tuy bình dân nhưng cũng cực kì kích thích vị giác đấy!
- Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Đây là một công trình tôn giáo với kiến trúc rất đẹp và cực kì tôn nghiêm của vùng. Nằm ở dưới chân núi Sam, thị xã châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một di tích tiêu biểu của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với lượng khách đến hai triệu lượt đến thăm quan lễ chùa hàng năm. Mùa xuân là thời điểm đẹp nhất để đến chùa hành hương lễ phật, thời điểm từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch là thời điểm đông người viếng nhất. Đặc biệt là tháng giếng, chùa lúc nào cũng tấp nập du khách thập phương.
- Chùa Hang
Chùa Hang hay còn gọi là Phước Điền Tự cách chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khoảng 1km, có lịch sử hơn 100 năm tuổi. Với không gian yên tĩnh, và khoảng không nhìn ra bên ngoài khoáng đạt. Chùa được xây trên độ cao 300 bậc thang, các gian chùa được thiết kế xen kẽ nhau, khuôn viên chùa có hồ nước ở chính giữa. Đây cũng là một ngôi chùa rất đẹp của tỉnh An Giang, quang cảnh vô cùng đẹp để cho bạn tha hồ kỷ niệm lại bằng những khung hình cực chất đấy!
- Đồi Tức Dụp
Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp thuộc địa phận thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đồi Tức Dụp cao 216 mét, diện tích trên 2 km2, có chu vi hình cánh cung dài khoảng 3km.Tức Dụp là căn cứ địa vững chắc của quân dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với diện tích không quá lớn, nhưng lại có rất nhiều điểm đặc biệt mà bạn nên đến đây tham quan khám phá. Với hệ thống hang động sâu và lớn cùng các ngõ ngách chẳng chịt, quanh co như mạng nhện được tạo bởi vô số tảng đá lớn, nhỏ, xếp chồng lên nhau mà người dân quen gọi là “lò-ảng” đã tạo nên một địa trận hùng vĩ, oai hùng cho ngọn đồi Tức Dụp này.
- Chợ nổi An Giang
Và cuối là điểm độc đáo nhất ở Châu Đốc mà bạn không nên bỏ qua đó chính là làng bè nổi, đây là nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước Nam Bộ. Xuồng, ghe là những phương tiện di chuyển chủ yếu trên sông nước của các gia đình ở làng nổi này. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối vối nhau trải dài dọc theo hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7-8m. Nếu một lần ghé chơi An Giang thì hãy dành một buổi sáng ra để đi thưởng thức đặc sản không nơi nào có này nhé! Nguồn: TripNow