Hãy bắt đầu hành trình đến Edinburgh, thủ đô tuyệt đẹp của Scotland, nổi tiếng với lịch sử phong phú, cảnh quan hùng vĩ và đời sống văn hóa sôi động.
7 món đặc sản miền Tây ngon quên lối về
Đến với miền Tây Nam Bộ bạn sẽ phải thử thưởng thức qua những món đặc sản miền Tây với hương vị đặc biệt khiến du khách nào cũng phải mê tít. Những món ăn ở nơi đây có hương vị đặc biệt của một vùng sông nước khiến du khách nào ghé thăm cũng đều phải say đắm.
LẨU CÁ LINH BÔNG ĐIÊN ĐIỂN
Lẩu cá linh kết hợp với bông điên điển là món đặc sản miền Tây mùa nước nổi nức tiếng nhất khắp các tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vào đầu mùa nước nổi, khoảng tháng 9, tháng 10, cá linh hãy còn non, thịt mềm và ngọt, hầu như không thấy xương. Đấy cũng là mùa mà điên điển trổ bông. Bông điên điển màu vàng ươm, vị bùi và giòn. Nước dùng của lẩu cá linh bông điên điển có nơi chế bằng nước ninh xương, có nơi lại dùng nước cá hầm nhừ. Món lẩu cá linh bông điên điển này sẽ có vị bùi, giòn, chua chua của bông điên điển kết hợp với vị thơm ngọt của cá linh và nước dùng, chấm cùng nước mắm mặn pha với ớt cay.
CÁ LINH KHO MÍA
Người ta cho mía xuống đáy nồi rồi cho cá linh lên trên, sau đó, cho nước dừa xiêm vào ngập xâm xấp cá rồi ninh nhừ. Cuối cùng, rắc một chút tiêu xay, một vài lát ớt cho món ăn thêm phần đậm đà. Thịt cá linh sẽ đẫm vị ngọt của mía, quyện với mỡ hành và tiêu ớt. Món cá linh kho mía này thường được ăn kèm với gỏi cọng sung bông điên điển. Vị tươi của cá, vị ngọt của mía, kết hợp cùng vị đăng đắng của bông điên điển đã tạo nên một món ăn đặc sản miền Tây mùa nước nổi.
GỎI BÔNG ĐIÊN ĐIỂN KHÔ CÁ LÓC
Vị thơm ngọt của cá lóc, hòa cùng vị chua chua của xoài và chút đăng đắng của bông điên điển đã tạo nên món gỏi bông điên điển khô cá lóc cực kì mới lạ và hấp dẫn.
CHUỘT NƯỚNG LU
Những chú chuột đồng được cho ăn no lúa chín, béo mẫm, được làm sạch và sơ chế kĩ, sau đó sẽ được tẩm ướp gia vị rồi móc vào lu, quay chín vàng. Khi quay chuột phải trở tay đều đặn, thêm mỡ và gia vị. Tới khi da chuột vàng giòn, thịt chín mềm thì có thể lấy ra ăn kèm với rau răm, dưa leo và muối ớt.
CANH CHUA CÁ LĂNG
Vào mùa nước nổi, miền Tây xuất hiện rất nhiều cá lăng. Thịt cá lăng săn chắc và rất ngọt. Cá lăng được chiên chín vàng rồi nấu canh chua cùng trái thơm. Vị thơm ngọt của cá và vị chua chua của thơm đã tạo nên một món ăn đặc sản miền Tây mùa nước nổi vô cùng ngon miệng.
CÁ LÓC NƯỚNG CHẤM MẮM ME
Vào mùa nước lên, miền Tây cũng xuất hiện rất nhiều cá lóc. Người ta thường xiên cá lóc vào que tre, cắm xuống đất rồi phủ rơm lên đốt. Thịt cá lóc nướng chui khi vừa chín tới sẽ trắng phau, rất chắc và ngọt. Khi thưởng thức, cuộn thịt cá và rau thơm, chuối xanh, khế, dưa chuột cùng với bánh tráng để cảm nhận vị chua, ngọt, đắng, chat cùng hòa quyện, tan dần trong miệng.
BÁNH XÈO BÔNG ĐIÊN ĐIỂN
Vào mùa nước nổi, bánh xèo miền Tây được bổ sung bông điên điển vào thành phần nhân bánh. Vỏ bánh được làm từ bột gạo pha với nước cốt dừa và bột nghệ, khi được chiên lên sẽ có màu vàng ươm, giòn tan. Nhân bánh là thịt heo và tôm xào cùng với bông điên điển. Khi ăn, bánh được chấm với nước chấm chua cay và ăn kèm với các loại rau quen thuộc trong vườn nhà như đọt bằng lăng, xoài, đọt điều, lá mơ. Món bánh xèo – đặc sản miền Tây mùa nước nổi sẽ có vị đắng, bùi của bông điên điển kết hợp cùng vị ngọt của tôm, thịt, vị chua cay của nước chấm cùng mỡ hành béo ngậy và vỏ bánh giòn tan. Nếu về miền Tây mùa nước nổi đừng quên thưởng thức những món đặc sản miền Tây mùa nước nổi trên đây bạn nhé!
Nguồn: PYS