Một người Mỹ nói Trung Quốc không thể xây đường sắt đến Tây Tạng: 23 năm sau kỳ tích xuất hiện, đường sắt Thanh Tạng xác lập 9 kỷ lục thế giới.
Kinh nghiệm du lịch An Giang – Miền Tây sông nước
Đến An Giang, bạn sẽ bắt gặp những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những hình ảnh mộc mạc của miền Tây sông nước với chiếc nón lá và áo bà ba đậm màu. Nếu bạn đang có dự định xuôi về vùng miền Tây nước nổi này hãy tham khảo một số kinh nghiệm nhỏ về du lịch An Giang dưới đây.
ĐỊA LÝ CỦA AN GIANG
An Giang là tỉnh giáp với biên giới Việt Nam – Campuchia. Phía Bắc và Tây Bắc giáp với hai tỉnh Kandal và Takéo của Campuchia, phía đông giáp với tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp với tỉnh Cần Thơ và phía tây nam giáp với Kiên Giang.
Với đặc điểm địa lý giáp với biên giới Việt – Campuchia, An Giang là vùng giao lưu văn hóa rất đặc sắc. Vùng đất này đã khéo léo dung hòa giữa bản sắc dân tộc Việt Nam với những tinh hoa văn hóa từ nước bạn Campuchia. Có 1 điều thú vị rằng, khi đến An Giang, bạn có thể “chạy” qua thăm nước bạn một cách dễ dàng, sáng ăn cơm Campuchia, chiều ăn bún Việt!
KHÍ HẬU Ở AN GIANG
Bạn có thể tới An Giang vào bất kì thời điểm nào trong năm, mùa nào cũng nắng đẹp, duy có tháng 7,8 thì trời hay mưa. Nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa cũng như đời sống nhộn nhịp của người dân nơi đây thì nên tới vào tháng 4 và tháng 8 Âm lịch. Vì đây là thời điểm diễn ra hai lễ hội lớn ở An Giang đó là lễ hội Bà chúa xứ núi Sam (diễn ra từ ngày 23 đến ngày 24/4 âm lịch) và lễ hội Đua bò đặc sắc diễn ra vào cuối tháng 8 âm lịch.
DI CHUYỂN Ở AN GIANG
Phương tiện di chuyển tới An Giang:
– Từ TP.HCM, các bạn có thể di chuyển tới An Giang theo 2 cách là đi bằng ô tô hoặc xe máy:
+ Đi bằng ô tô: bạn mua vé đi Long Xuyên hoặc Châu Đốc ở bến xe miền Tây. Khi tới 2 địa điểm trên thì bạn có thể bắt xe ôm, xe lôi hoặc taxi để di chuyển tới các điểm du lịch ở An Giang.
+ Đi bằng xe máy: theo hướng từ TP.HCM – Châu Đốc thì đi như sau: Đi theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu) – rẽ phải về Cao Lãnh – qua phà Cao Lãnh theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới – qua phà Hậu Giang cập bờ sông Hậu – đến phà Năng Gù – chạy theo quốc lộ 91 khoảng 30km là tới núi Sam. Toàn bộ hành trình là khoảng 220km, mất khoảng 4 giờ 30 đến hơn 5 giờ.
– Từ Hà Nội, muốn di chuyển tới An Giang, bạn nên đi máy bay của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar…tới TP.HCM rồi di chuyển theo lộ trình trên. Hoặc cũng có thể đi xe khách tới TP.HCM, tuy nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian.
Phương tiện di chuyển tại An Giang:
Tại An Giang, với địa hình đồng bằng, nhiều sông ngòi thì những phương tiện di chuyển đường bộ và đường thủy rất phổ biến. Với đường bộ, ngoài taxi, xe buýt, xe máy thì xe lôi là một phương tiện điển hình ở An Giang. Với đường thủy thì phà và đò hai phương tiện công cộng di chuyển chủ yếu.
ĐIỂM THAM QUAN Ở AN GIANG
Miếu Bà Chúa Xứ ở Núi Sam (Châu Đốc)
Miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc, là nơi thờ Bà Chúa Xứ – biểu trưng cho tín ngưỡng thờ Phật Mẫu của người dân miền Nam. Hằng năm, cứ vào tháng 4 Âm lịch (từ ngày 23 đến ngày 27) người ta tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, thu hút hàng nghìn khách thập phương đổ về đây tham dự, hành hướng viếng Bà. Tương truyền rằng, ngày xưa có một pho tượng Phật bí ẩn xưng là Bà Chúa Xứ ngự ở đỉnh núi Sam, thường xuyên hiện về báo mộng cho dân làng, truyền rằng hãy khiêng Bà xuống núi, lập đền thờ cúng, Bà sẽ phù hộ cho mùa màng bội thu, hoa màu tốt tươi, xua tan dịch bệnh và bảo vệ khỏi giặc ngoại xâm.
Dân làng cử những thanh niên trai tráng khỏe nhất làng lên núi thỉnh Bà xuống, nhưng lạ thay, không thể nào nhấc nổi pho tượng lên. Bà Chúa Xứ hiện về chỉ điểm phải có 9 cô gái đồng trinh có tâm hồn trong sáng mới có thể khiêng Bà xuống núi. Lần này, dân làng cử ra 9 cô gái trẻ hiền lành làm nhiệm vụ thỉnh Bà xuống núi. Quả nhiên 9 cô cái trẻ đã nhấc Bà lên một cách nhẹ nhàng. Khi đến chân núi Sam thì bỗng nhiên pho tượng trĩu nặng lạ kì. Dân làng hiểu ý rằng Bà đã chọn nơi đây làm nơi an tọa nên lập đền thờ và xây dựng nên miếu Bà như ngày nay.
Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư thuộc thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách thành phố Châu Đốc khoảng 20km về hướng Nam, với diện tích khoảng 850ha. Từ Châu Đốc, bạn có thể đi theo đường Quốc lộ 91, nối tiếp là đường Tân Lộ Kiều Lương, sau đó đi qua cầu Trà Sư và rẽ trái vào kênh Trà Sư, đi chừng vài km nữa sẽ đến được rừng tràm Trà Sư. Trà Sư là khu rừng ngập mặn tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu với phần lớn cây ở đây là cây tràm trên 10 tuổi cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm khác.
Đến với rừng tràm Trà Sư, bạn sẽ đắm mình trong thiên nhiên miền hoang dã Tây Nam Bộ. Trên cao là một màu xanh ngút ngàn của những tán cây tràm xòe bóng mát, phía dưới là mặt hồ phủ kín bèo. Rẽ chiếc thuyền chèo xuyên qua những khu rừng, bạn sẽ thấy mình được hòa cùng thiên nhiên với những vẻ đẹp mới mẻ, độc đáo của thiên nhiên, thả mình trôi theo dòng nước trong không gian thanh tịnh, lắng nghe tiếng róc rách của cái nạn chèo nhẹ nhàng rẽ từng con sóng nước, nghe tiếng chim hót và tiếng mời gọi của gió. Đó là lời thì thầm, bầu bạn cùng thiên nhiên.
Hồ Tà Pạ và cánh đồng Tà Pạ
Hồ Tà Pạ và cánh đồng Tà Pạ thuộc huyện Tri Tôn, nơi đây là một vùng non nước hữu tình còn hoang sơ hiếm thấy. Phong cảnh của hồ Tà Pạ đẹp nên thơ, nước trong hồ xanh màu ngọc bích, trong veo, dập dềnh những lớp sóng. Gần đây hồ Tà Pạ nổi tiếng trong cộng đồng đi phượt với cái tên “Tuyệt tình Cốc miền Tây” rất thu hút các bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh.
Cánh đồng Tà Pạ vào mùa nước nổi như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt điểm xuyết. Nhìn từ trên cao, Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn, vào mùa lúa chín thì sắc vàng phủ kín được lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút. Sau khi ghé thăm hồ Tà Pạ và cánh đồng Tà Pạ bạn nên ghé thăm Chùa Tà Pạ. Ngôi Chùa Tà Pạ là một công trình kiến trúc rất độc đáo của người Khmer, được xây bằng đá granit quý với thiết kế cầu kì, tráng lệ, đẹp như một cung điện nguy nga.
Chùa Hang (Phước Điền tự)
Chùa Hang nằm trong cụm du lịch văn hóa Núi Sam, là một địa điểm tham quan rất hấp dẫn bởi truyền thuyết “Thanh Xà – Bạch Xà” với kiến trúc đậm chất Trung Hoa, cảnh quan thanh tịnh và yên bình như chốn thần tiên. Người xưa kể rằng ngôi chùa Hang khi xưa là nơi tu hành của một người thợ may tên là Lê Thị Thơ, bà Thơ vốn là một thợ may nên người ta cũng hay gọi là bà Thợ. Cạnh chỗ của bà Thợ tu hành có một cái hang động âm u, ở đó có một đôi mãng xà rất hung tợn khiến cho người trong vùng vô cùng khiếp sợ. Từ khi nghe tiếng bà Thợ đọc kinh tu hành thì đôi mãng xà ngoan ngoãn và hiền lành hơn. Chúng thường xuyên đến nghe bà Thợ tụng kinh, ăn cơm chùa và không phá phách nữa. Bà Thợ thấy vậy, đặt tên chúng là Thanh Xà và Bạch Xà. Đôi mãng xà này sống ở chùa Hang và bảo vệ ngôi chùa khỏi thú dữ, kẻ gian… Đến khi bà Thợ mất thì đôi mãng xà cũng mất tích. Ngày nay, người ta đã bịt kín lối vào hang, chỉ chừa một lối đi chừng 10m và lập một bàn thờ cho Thanh Xà và Bạch Xà.
Di chỉ văn hóa Óc Eo
Di chỉ Óc Eo là những chứng tích còn sót lại của đất nước Phù Nam xa xưa, thuộc thời kì văn hóa Óc Eo. Di chỉ này nằm trên một cánh đồng gần núi Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, được những người nông dân trong quá trình làm ruộng vô tình phát hiện ra. Các nhà khảo cổ cho rằng cánh đồng Óc Eo cách đây hàng trăm năm trước là một hải cảng lớn của vương quốc Phù Nam, là nơi giao thương và giao lưu văn hóa với các nước lận cận, đã bị vùi lấp cùng với sự suy vong của vương quốc Phù Nam vào đầu thế kỉ VII. Những di chỉ này đã ngủ yên dưới lòng đất suốt hàng trăm năm cho đến khi người ta khai quật được.
Khu du lịch Núi Sập
Khu du lịch Núi Sập có hồ Ông Thoại và đền thờ Thoại Ngọc Hầu, nằm dưới chân núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn.
Nơi đây có khung cảnh hoang sơ rất đẹp giống như một hòn non nước thu nhỏ. Phong cảnh này được hình thành do quá trình khai thác đá của con người vô tình tạo ra, hồ trong xanh, phẳng lặng uốn mình ôm lấy chân núi đá hùng vĩ.
ẨM THỰC AN GIANG
Bún cá
Bún cá là món ăn phổ biến, được bán ở nhiều nơi như Long Xuyên,
Châu Đốc hay Tân Châu bạn đều có thể thưởng thức món bún cá lóc ngon tuyệt vời này. Nấu bún cá thì chỉ có cá lóc là ngon nhất, đặc biệt là cá lóc đồng, thịt ngọt và săn chắc. Cá được ướp cùng với nghệ vàng nên không hề bị tanh mà còn thơm ngọt hơn, cũng vì vậy mà nước dùng của bún có vị thanh ngọt tự nhiên của cá. Bún cá được ăn kèm với rau muống bào, bắp chuối xắt sợi, bông điên điển và giá đỗ tươi ngon. Khi ăn bạn nên vắt thêm một ít chanh vào nước dùng, khi đó vị chua chua của chanh hòa vào vị ngọt thanh của cá một cách tuyệt hảo.
Gỏi sầu đâu
Gỏi sầu đâu ở An Giang là một món lạ, rất kén người ăn. Sầu đâu là một loại cây mọc hoang, lá có vị rất đắng, nhưng ăn vào thì sẽ cảm được vị ngọt. Người dân nơi đây thường hái lá sầu đâu ăn kèm với thịt kho, mắm… Nhưng cách chế biến phổ biến nhất là trộn gỏi lá sầu đâu với thịt gà, vịt, heo, tôm, cá…. Người không thích vị đắng sẽ khó ăn món này, nhưng nếu ăn đắng được thì sẽ nghiện món này. Món gỏi sầu đâu dễ làm nhưng cũng cần có bí quyết. Lá sầu đâu được trụng sơ qua nước sôi để giảm đi độ đắng, trộn kèm với thịt luộc xắt mỏng, tôm luộc lột vỏ và khô cá xé nhỏ, có thể thêm dưa leo hoặc xoài tùy thích, sau đó trộn đều với nước mắm, giấm, đường tạo vị chua ngọt. Khi bày ra dĩa thì trang trí thêm vài cọng ngò, rau thơm, đậu phộng và vài miếng ớt.
Lạp xưởng bò
Đây là món ăn truyền thống của người Chăm theo Đạo Hồi, họ không ăn thịt heo nên thịt bò là thức ăn chính. Lạp xưởng bò để được lâu nên người Chăm thường tích trữ để dùng dần. Trước đây, người Chăm làm lạp xưởng bò để phục vụ nhu cầu ăn uống cho gia đình, nhưng bởi hương vị ngon hảo hạng của nó mà thu hút nhiều người Kinh đến thưởng thức. Món lạp xưởng bò được làm từ thịt bò vụn trộn chung với mỡ bò và ruột bò xay nhuyễn. Miếng lạp xưởng ngon nhất là nướng trên bếp than, mỡ bò tan chảy tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, vị mặn, vị ngọt và vị chua chua kết hợp vị béo của mỡ bò làm cho món ăn ngon khó cưỡng.
Bánh bò dừa Tân Châu
Điểm đặc sắc của bánh bò dừa là được làm từ đường thốt nốt nên có màu vàng ươm bắt mắt. Khi hấp, bánh nở thành từng ổ tròn, lớp nước cốt dừa sánh mịn được chan đều lên khắp mặt bánh, chảy len lỏi theo đường bọt khí hình rễ cây thấm đều vào chiếc bánh bò. Điều này làm cho chiếc bánh bò dừa vừa thơm lại vừa ngọt béo.
Bánh xèo rau rừng Châu Đốc
Bánh xèo có ở miền Tây, nhưng ở Châu Đốc bánh xèo có điểm đặc biệt hơn. Đó chính là đĩa rau thập cẩm hơn 20 loại lá cây rừng trên núi như cây sung, xoài, cóc rừng, càng cua, đinh lăng, mã đề, lá lốt…
Nguyên liệu làm bánh xèo rau rừng đều là “cây nhà lá vườn” : bánh được làm từ gạo lúa Sóc được xay thủ công bằng cối đá, dừa khô được nạo bằng tay, nghệ vàng được hái trong vườn nhà.
Nước mắm chấm được pha chế theo khẩu vị đặc trưng bản địa, ngoài tỏi, ớt, chanh, đường thì người dân còn cho thêm trái trúc có vị chua, tạo nên chén mắm chua ngọt đặc biệt không lẫn vào đâu được.
MUA SẮM Ở AN GIANG
Mắm chợ Châu Đốc
Mắm ở Châu Đốc là siêu đa dạng từ mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, tới mắm thái, mắm rô… và chất lượng đảm bảo nên bạn yên tâm mua về để làm quà hay ăn dần nhé. Mắm ở đây có vị ngọt đặc trưng, nhưng bên trong lại mặn mà, ăn cùng cơm trắng rất ngon.
Thốt nốt
Thốt nốt An Giang nổi tiếng vừa tươi mới, vừa ngọt lành đặc trưng, dễ tìm tại chợ hay trên đường đi. Bạn nên mua loại đóng trong hũ sẽ đảm bảo vệ sinh hơn lại dùng được lâu nữa.
Quả mây gai
Quả mây gai có nguồn gốc từ Thái Lan, có vị chua chua, ngọt ngọt, ăn kèm muối ớt, giúp thanh nhiệt, bù nước. Khi mua về làm quà, bạn nên mua những quả chín vừa, tránh những trái bị dập.
Nguồn: wanderlusttips.com