IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Ẩm thực Nhật Bản qua bốn mùa
Khí hậu và cảnh sắc xứ sở mặt trời mọc thay đổi rõ rệt qua bốn mùa, cũng có nghĩa là có một số loại thực phẩm chỉ có thể được thưởng thức trong một thời gian ngắn. Vì vậy để có thể tôn vinh và thưởng thức trọn vẹn thức quà của tự nhiên, người dân Nhật Bản đã tạo ra một nền ẩm thực gắn liền với phương châm “mùa nào thức ấy”. Những đặc trưng riêng của phong cảnh mỗi mùa được biến tấu thành các họa tiết trong tranh vẽ hay bản khắc và những nguyên liệu theo mùa được bày bán tại chợ đều góp phần tạo nên sự sinh động và vui tươi cho cuộc sống thường nhật. Do đó ẩm thực Nhật Bản theo mùa phải được thưởng thức bằng tất cả các giác quan – không chỉ với vị giác, mà còn bằng mắt. Dưới đây là một số món ăn theo mỗi mùa đáng chú ý ở Nhật Bản.
Mùa Xuân
Không phải ngẫu nhiên mà chữ “xuân” luôn được ghép cặp với động từ “khai”. Mùa xuân tại Nhật Bản là mùa của năm học mới, của chu kì kinh doanh mới và của hoa anh đào nở. Hoa anh đào chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức của người dân Nhật Bản, vậy nên lễ hội ngắm hoa anh đào là một hoạt động không thể thiếu trong mùa xuân. Mọi người tham gia lễ hội thường mang theo hộp bento tự làm hay mua sẵn tại tầng hầm của các trung tâm thương mại. Dù là đồ làm sẵn nhưng bạn sẽ không bị thất vọng bởi nguyên liệu các món ăn chủ yếu đều làm từ những nguyên liệu đặc trưng của mùa xuân như kim tâm (hay còn được gọi là cúc móng ngựa), măng, hoa cải dầu, mầm fatsia, bắp cải xuân, hành tươi. Bên cạnh đó, món asari gohan (cơm ngao) cũng rất được yêu thích vào mỗi dịp mùa xuân. Đối với món tráng miệng, các món ăn theo chủ đề dâu tây hoặc sakura (hoa anh đào) rất phổ biến bởi chúng không chỉ là thực phẩm tiêu biểu của mùa xuân mà còn hiển thị các sắc thái màu hồng đẹp mắt, phù hợp với không khí của lễ hội ngắm hoa tạo nên một nét riêng cho ẩm thực Nhật Bản.
Mùa Hạ
Mùa hè Nhật Bản được biết đến với tiết trời nóng bức, các lễ hội sống động và những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu. Mọi người mặc yukata và đi đến các lễ hội địa phương để tận hưởng bầu không khí kỳ diệu và các món ăn ngon được phục vụ tại các quầy hàng. Sau mùa mưa tháng sáu, nhiệt độ bắt đầu tăng lên và cái nóng ẩm khiến mọi người khao khát những món ăn tươi mát. Somen là một trong những món đặc trưng cho ẩm thực Nhật Bản vào mùa hè: những sợi mì cực mỏng để lạnh, dùng với nước mắm pha gừng và gỏi tây. Một món ăn phổ biến khác là hiyashi-chuka, hoặc ramen lạnh, trong đó mì ướp lạnh được ăn kèm với các loại rau, kinshi tamago (trứng tráng mỏng) và giăm bông. Điểm chung của các món ăn này là giúp tạo cảm giác ngon miệng giữa cái oi nóng của mùa hè. Ngoài somen và ramen lạnh thì lươn nướng cũng là một lựa chọn rất được yêu thích bởi nó giúp bổ sung nhanh chóng nguồn năng lượng bị mất trong cuộc chiến với cái nóng. Và không cần phải bàn cãi về vị trí độc tôn của món đá bào xi-rô tại các lễ hội khi đó luôn là món ăn được tiêu thụ nhiều nhất.
Mùa Thu
Mùa thu có lẽ là mùa thoải mái nhất ở Nhật Bản khi những làn gió tươi mát và những ngày nắng dịu nhẹ thay thế cho chuỗi những ngày hè thiêu đốt. Màu sắc của lá cây bắt đầu thay đổi, và sự kiện này được gọi là koyo. Người Nhật không chỉ yêu thích ngắm hoa anh đào nở mà họ còn yêu thích thưởng ngắm sự thay đổi màu sắc của lá cây. Cũng giống như vào mùa xuân, mọi người hiếm khi đi chơi ngoài trời mà không có những chiếc hộp bento chứa đầy thực phẩm theo mùa. Một số nguyên liệu đặc trưng ẩm thực Nhật Bản vào mùa thu là hạt dẻ, cá thu Thái Bình Dương và nấm matsutake. Hạt dẻ thường được nấu chung với gạo hoặc để làm bánh, kẹo; cá thu thì thường được nướng hoặc ướp khô, dùng chung với của cải trắng bào; còn nấm matsutake được xem là thức quà cao sang bởi sự hiếm có của chúng.
Mùa Đông
Cuối cùng, mùa đông đến với nhiệt độ lạnh hơn đáng kể và tuyết ở một số vùng của Nhật Bản. Mọi người thường thích tận hưởng sự ấm cúng trong nhà của họ và tiết chế hơn trong các hoạt động thường ngày để tránh thời tiết lạnh. Theo truyền thống, các gia đình tụ tập quanh kotatsu của họ, một chiếc bàn thấp có bộ phận sưởi ấm bên dưới và được phủ một tấm chăn để giữ ấm. Chính vì bầu không khí ấm áp quây quần đó mà nabe (lẩu) trở thành một thực đơn phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản vào mùa đông. Không những vậy, nabe còn là một món ăn dễ thực hiện bởi bất kỳ nguyên liệu nào cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như rau, thịt và hải sản. Oden là một món lẩu phổ biến khác, và nó bao gồm một số thành phần như trứng luộc, daikon, konnyaku và bánh cá hầm trong nước lèo. Oden thậm chí có sẵn tại các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc cho một bữa ăn nóng nhanh chóng. Buri, hay cá đuôi vàng, là một loại cá có thể được nấu theo kiểu teriyaki hoặc hầm với củ cải trắng. Và không có gì đánh bại hương vị ngọt ngào của cam ngọt Ôn Châu để nhấm nháp sau bữa ăn, hoặc giữa trưa để tăng năng lượng.
Nơi bạn có thể khám phá ẩm thực Nhật Bản theo mùa
Chỉ cần ghé thăm một siêu thị địa phương, thật dễ dàng để xem nguyên liệu nào hiện đang vào mùa, vì chúng được hiển thị nổi bật và thường được chào bán. Nhiều gia đình Nhật luôn sử dụng các nguyên liệu đang vào mùa để có thể tận hưởng hương vị tuyệt vời nhất của chúng. Trong các nhà hàng Nhật Bản cao cấp, các đầu bếp tỉ mỉ chuẩn bị các món ăn đầy tính nghệ thuật mang theo dấu ấn riêng của từng mùa. Điểm mấu chốt của ẩm thực Nhật Bản là phải nổi bật được hương vị tự nhiên của mỗi loại nguyên liệu trong mỗi món ăn, điều đó có nghĩa là các loại thực phẩm đang vào mùa thường luôn được xuất hiện trong thực đơn. Các cửa hàng bánh kẹo truyền thống cũng theo sát các mùa, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật thủ công tinh tế đại diện cho vẻ đẹp thiên nhiên. Cuối cùng, tại nhiều quán cà phê và cửa hàng tiện lợi trên cả nước, các sáng tạo theo mùa như đồ ngọt hoặc đồ ăn nhẹ chỉ được cung cấp trong một thời gian giới hạn, khiến chúng càng trở nên được thèm muốn hơn.
Nguồn: NHKWorld