IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Bật mí những cảnh đẹp ở Pù Luông
Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, Thanh Hóa có diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú. Với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, nơi đây là một trong những điểm du lịch Tây Bắc thu hút được rất nhiều bạn trẻ. Trước kia, Pù Luông chỉ hấp dẫn với một nhóm nhỏ các bạn trong cộng đồng du lịch bụi do đây là một địa điểm khá khó khăn trong việc đi lại. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây những cảnh đẹp ở Pù Luông được nhiều người biết đến và nổi tiếng do những hình ảnh được giới trẻ chia sẻ nhiều hơn trên mạng.
BẢN KHO MƯỜNG
Trên hành trình lên đỉnh Pù Luông hùng vĩ, có một thung lũng rất đỗi nguyên sơ và mộc mạc mang tên Kho Mường. Đây là một trong những bản vùng cao, khó khăn nhất của xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nhưng lại có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Kho Mường là một thung lũng nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, ít chịu ảnh hưởng tác động của con người nên vẫn giữ được những nét rất hoang sơ, thơ mộng vốn có. Đây là nơi sinh sống của 60 hộ dân tộc Thái, với 230 nhân khẩu. Bản Kho Mường nằm cách biệt với các bản khác trong vùng, cách UBND xã Thành Sơn chừng hơn 2km nhưng chặng đường vào bản không hề đơn giản. Đường đi lại gập ghềnh là thử thách đối với các “phượt thủ” thích khám phá nơi đây. Nhìn từ trên cao xuống, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp hút hồn, những ngôi nhà sàn nằm sát dưới chân núi bên những ruộng lúa, nương ngô, nương sắn. Bao quanh bản là một màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Tất cả hiện lên như một bức tranh của chốn “bồng lai tiên cảnh”. Người dân trong bản chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô, sắn… sản phẩm làm ra cũng chỉ phục vụ cho bữa cơm hằng ngày. Nhờ vào những gì thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, người dân đã biết đầu tư xây dựng những ngôi nhà sàn khang trang để đón khách du lịch đến tham quan. Đến với Kho Mường, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc Thái, hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như: Cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu ngô, kiệu muối chua và thịt vịt luộc…
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Bản Kho Mường: Thành Sơn, Bá Thước, Thanh Hóa.
HANG KHO MƯỜNG
Hang Kho Mường là một trong số hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những khối nhũ đá vôi được hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước làm nên hang động này. Hang có mối liên hệ với hệ thống sông dưới lòng đất với chiều dài khoảng 2,5 km về phía Bắc và dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn thuộc xã Lũng Cao. Hệ thống sông suối chảy trong lòng hang là đặc điểm chung được biết tới của các khu vực núi đá Kart, nó tạo ra sự kết nối giữa các thung lũng lòng chảo bằng sự liên kết của các dòng chảy. Hang Kho Mường còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, ít nhất có 4 loài dơi trú ngụ trong hang này ở các thời điểm khác nhau của năm. Càng đi sâu vào trong hang, du khách sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những khối đá, nhũ đá với những hình thù kì lạ như hình người, hình cây, mãnh thú… đủ các màu sắc khác nhau, mờ mờ ảo ảo, tất cả hiện lên vô cùng sống động và đặc sắc. Vào một ngách sâu trong hang còn có một bãi đất trống rất rộng trông như một sân bóng chuyền tự nhiên, đây là một trong những điểm nhấn của hang dơi.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Hang Kho Mường: Lũng Cao, Thanh Hóa.
BẢN ĐÔN
Bản Đôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống với 285 nhân khẩu (80 hộ). Khoảng 2 năm trở lại đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến với bản Đôn ngày một nhiều. Bản Đôn có không gian yên bình, cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân bản địa, như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, rau bí, ngọn su su… đặc biệt là sự chân thành, mến khách của đồng bào địa phương.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Bản Đôn: Bá Thước, Thanh Hóa.
BẢN SON BÁ MƯỜI
Son Bá Mười là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao. Nơi này cách trung tâm thành phố khoảng 130 km về phía Tây Bắc và được ví như một Sa Pa thu nhỏ bởi khí hậu ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 1822 độ C, đôi khi mùa đông có tuyết rơi, tối mùa hè nhiệt độ cũng xuống rất thấp. Son – Bá – Mười còn được gọi với cái tên khác là khu Cao Sơn, nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Hé, Pha Chiến, chạy song song với mạch núi Pù Luông – Cúc Phương hùng vĩ. Cao Sơn thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông của Hòa Bình. Đặc biệt, Son – Bá – Mười khá biệt lập với bên ngoài nên đến nay còn lưu giữ nhiều tập tục của người Thái cổ, nhà sàn còn giữ nguyên dấu ấn truyền thống, thể hiện rõ nét đặc thù chưa bị ảnh hưởng bởi những kiến trúc hiện đại từ bên ngoài pha tạp vào.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Bản Son Bá Mười: Lũng Cao, Thanh Hóa.
BẢN HIÊU
Bản Hiêu là một bản người Thái nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông. Bản gồm hơn trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Cứ mỗi khi có một ghềnh thác đẹp, những nóc nhà sàn lại dày hơn tạo nên một khung cảnh suối thác – nhà sàn đẹp như tranh thủy mặc. Cả khúc suối tính từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng đẹp và chẳng thác nào giống thác nào. Vì vậy, người dân trong bản gọi chung tất cả những thác nước ấy là thác Hiêu và thân thương gọi con suối ấy với tên gọi “dòng Hiêu” chứ không gọi là suối Hiêu như cách thông thường.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Bản Hiêu: Cổ Lũng, Bá Thước, Thanh Hóa.
THÁC HIÊU
Thác Hiêu thuộc địa phận Làng Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. ây là điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách nước ngoài ưa du lịch khám phá trong vài năm nay, cung đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến làng Hiêu rất đẹp bởi hai bên là cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Qua khỏi cầu treo bằng gỗ là vào làng. Dòng nước từ thác Hiêu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh, nhưng cũng tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối. Nhiều lúc trời mưa to, dòng nước trắng xóa bột đá vôi. Chính đặc tính lạ này đã khiến những cây cối, đồ vật gặp trong dòng chảy đều bị hóa đá. Nơi khởi nguồn của dòng suối Hiêu là từ một hang đá thuộc dãy núi đá hùng vĩ của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông – Cúc Phương, là mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái Karst, là khu vực đất thấp duy nhất còn lại rừng sinh cảnh núi đá vôi ở miền Bắc Việt Nam. Theo người dân trong vùng suối chảy quanh năm không bao giờ cạn. Chiều dài dòng thác khoảng 800 m. Nếu nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng. Ngay phía ngoài chân thác còn có một “hồ bơi” tự nhiên. Sau một hồi lội thác trở về, du khách nên ra đây tắm rửa. Mực nước ở đây chỉ hơn 1 m, phía dưới là cát nên ai ưa mạo hiểm có thể thỏa sức bay nhảy. Nơi đây đã hình thành một điểm du lịch, có hệ thống nhà sàn cho du khách nghỉ dưỡng. Nằm trên nhà sàn với vài chiếc gối tựa, du khách ngắm cảnh núi rừng, tận hưởng những giờ phút thư thái tuyệt vời.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Thác Hiêu: Cổ Lũng, Bá Thước, Thanh Hóa.
ĐỈNH NÚI PÙ LUÔNG
Đây là một trong những đỉnh núi mà dân trekking ở Việt Nam thường chọn để chinh phục. Đỉnh cao 1700m và mất khoảng 6 – 8 tiếng trong điều kiện thời tiết tốt để có thể lên đến đỉnh. Các bạn có thể dựng trại trên đỉnh để ăn uống nghỉ ngơi qua đêm, hôm sau có thể xuống núi.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Núi Pù Luông: Quan Hóa, Thanh Hóa.
THÁC MUỐN
Thác Muốn nằm ở độ cao 500 m so với mực nước biển, khởi đầu từ trong các khe núi đá trên đỉnh núi Muốn có độ cao hơn 300m chảy vào lòng một thung lũng rộng vài ha, rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau như hình bậc thang. Trườn qua 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp khác nhau với chỉ toàn đá, nước và cây rừng trùm kín, dòng suối đổ ra sông Đại Lạn nhập vào dòng Mã giang hùng vĩ. Điều đặc biệt thú vị khi du khách đến với Thác Mơ là có thể trèo lên 43 tầng thác mà không cần phải bỏ dép bởi loại đá ở đây là đá cát (giống như đá mài), mòn nhẵn nhưng không hề trơn, đổ ra biển rộng. Thác Muốn cách Phố Đoàn khoảng hơn 20km, các bạn có thể tìm địa điểm này trên Google Maps rất dễ dàng.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Thác Muốn: Điền Quang, Bá Thước, Thanh Hóa.
CHỢ PHIÊN PHỐ ĐOÀN
Phố Đoàn là tên gọi khu chợ có từ thời Pháp thuộc tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái của các xã quanh vùng cùng người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn… tỉnh Hòa Bình. Điều làm nên sức hút cho khách du lịch khi chơi chợ là nét văn hóa mua bán trao đổi hàng hóa ngang giá trị. Đôi khi, họ không giao dịch bằng tiền, chẳng hạn một con gà có thể đổi lấy hai chục trứng với mớ rau mà hai bên đều thấy thoải mái, vui vẻ. Chỉ cần “ưng cái bụng” là mua ngay, ít khi thấy trả giá, đòi thách.
Địa chỉ cảnh đẹp ở Pù Luông:
Chợ Phiên Phố Đoàn: Lũng Niêm, Thanh Hóa.
Nguồn: CP