Hãy bắt đầu hành trình đến Edinburgh, thủ đô tuyệt đẹp của Scotland, nổi tiếng với lịch sử phong phú, cảnh quan hùng vĩ và đời sống văn hóa sôi động.
Cẩm nang du lịch Huế từ A-Z
Nếu được chọn một thành phố lãng mạn, mộng mơ, trữ tình nhưng cũng không kém phần kiêu sa, chắn chắn Huế là cái tên mà ta nghĩ tới đầu tiên. Người ta thường nói Huế như một cô gái đôi mươi, xinh đẹp và duyên dáng, khi thì vui tươi và nồng nàn tình cảm, lúc lại man mác buồn. Chẳng có nơi đâu mà khi đặt chân đến ta lại có nhiều cung bậc cảm xúc đến như thế . Đẹp đẽ đến vậy, Huế làm cho bao trái tim của du khách tới đây phải thổn thức “Say đắm một ngày – cả đời thương nhớ”. Nói đến đây, bạn đã muốn tới Huế chưa? Tới đây để khám phá một Huế với phong cảnh hữu tình, một cố đô trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, một thành phố lắng đọng bởi vẻ bình dị, mộc mạc của những con người bản địa,… Nếu còn phân vân, hãy tham khảo Cẩm nang du lịch Huế để đưa ra quyết định nhé. Nhưng phải nói trước, chẳng có ngòi bút nào có thể tả nổi vẻ đẹp của thiên đường này đâu…
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN TỚI HUẾ
Xe khách: Ở Hà Nội, xe khách tới Huế có nhiều hãng xe như TheSinhTourist, Hưng Thành, Hoàng Long,… bạn có thể bắt bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm hay gần hãng xe bạn đặt,… với giá 250.000/ người xe giường nằm. Thời gian di chuyển tới Huế khoảng 10 tiếng đồng hồ. Ở Sài Gòn bạn mua vé ở bến xe Miền Đông, với giá vé từ 450.000 đồng.
Tàu hỏa: Nếu bạn có nhiều thời gian và muốn thưởng ngoạn cảnh vật trên đường thì đi tàu là một lựa chọn thích hợp. Từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có tàu đến Huế. Giá vé từ Hà Nội đi Huế: 350.000 – 800.000 VNĐ tùy thuộc vào các loại ghế. Giá vé từ Sài Gòn đi Huế từ: 400.000 – 1.200.000 VNĐ tùy thuộc vào các loại ghế.
Máy bay: Để tiết kiệm thời gian bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng máy bay với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietjetAir, Jetstar giá vé khoảng từ 900.000 đồng/chiều.
Di chuyển ở Huế: Bạn có thể thuê xe máy với giá thành hợp lí từ 120.000 VNĐ/xe/ngày để khám phá thành phố Huế. Ngoài ra xích lô cũng là một phương tiện đi lại thú vị cho du khách khi tham quan các điểm du lịch.
ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH Ở HUẾ
1. Quần thể các lăng vua nhà Nguyễn
Quần thể các lăng vua nhà Nguyễn được xem là một trong các điểm du lịch Huế nổi tiếng nhất mà bạn cần check-in ngay khi đặt chân đến vùng đất này; bởi những lăng tẩm này không chỉ là một địa danh nổi tiếng, mà còn là dấu ấn lịch sử văn hóa và niềm tự hào của những người con xứ Huế.
Lăng Gia Long (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà)
Còn gọi là Thiên Thụ Lăng và được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820 dưới sự chỉ đạo và giám sát trực tiếp của vua Gia Long. Lăng nằm trên một quả đồi bằng phẳng, xung quanh có 34 ngọn núi chầu. Có thể nói đây là một bức tranh tuyệt đẹp về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc thể hiện tính hoành tráng, cao sang của vị vua đứng đầu triều Nguyễn.
Lăng Minh Mạng (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà)
Còn gọi là Hiếu Lăng, nằm trên núi Cẩm Kê cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15 km. Lăng Minh Mạng là tập hợp những công trình kiến trúc độc đáo với hơn 40 công trình bao gồm cung điện, lâu đài, đình đài. Bên cạnh đó, lăng còn là một kho tàng với gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu. Lăng Minh mạng thể hiện tính thâm nghiêm đăng đối như thiết chế xã hội mang tính cách một vị vua có tài thao lược nhiều lĩnh vực.
Lăng Tự Đức (phường Thủy Xuân, thành phố Huế)
Còn được gọi là Khiêm Lăng, là một trong những công trình đẹp của kiến trúc cùng đình triều Nguyễn, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km. Lăng Tự Đức có khoảng gần 50 trình kiến trúc có chữ Khiêm trong tên gọi. Tại đây còn có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát, được xem là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn.
Lăng Khải Định
Nằm cách trung tâm thành phố Huế chỉ 10 km, Lăng Khải Định là công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là công trình nổi bật nhất trong tất cả những lăng tẩm khác, nhờ những vật liệu xây dựng tân thời và ảnh hưởng của nhiều trường phái kiến trúc ngoại quốc. Lăng Khải Định được xây dựng trong 11 năm (1920 – 1931), kéo dài 2 đời vua nhà Nguyễn là Khải Định và con mình là Bảo Đại. Dù là công trình lăng có diện tích nhỏ nhất nhưng đây lại là công trình lăng tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm Triều Nguyễn.
2. Kinh Thành Huế – Đại Nội
Đại Nội là tên gọi phổ biến dùng cho cụm công trình gồm Hoàng thành và Tử Cấm Thành, được xây dựng vào năm 1804. Đại Nội có hơn 140 công trình lớn nhỏ phục vụ cho bộ máy chính quyền trung ương, với hệ thống cổng thành cũng đồ sộ không kém. Toàn bộ Đại Nội trải rộng trên một khu đất có hình dạng gần vuông, mỗi cạnh lên đến 2500 m. Một số công trình và địa điểm “must check-in” khi bạn ghé thăm đại nội:
Ngọ Môn (cổng chinh phía Nam của Hoàng Thành)
Được xây dựng vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng, là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của triều Nguyễn. Ngọ Môn vừa mang nét uy nghi, bề thế, vừa đậm màu rêu phong của thời gian.
Điện Thái Hòa
Đây là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng Thành. Được xây dựng vào năm 1805, Điện Thái Hòa là nơi diễn ra các đại lễ của 13 đời vua từ Gia Long đến Bảo Đại. Điện Thái Hòa có sân chầu rộng lớn phía trước, bên trong được thiết trí ngai vàng dùng làm nơi ngự của vua trong các buổi chầu, lễ. Với diện tích lớn và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cùng nhiều kiến trúc đẹp, Điện Thái Hòa là nơi bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm Đại Nội.
Vườn Cơ Hạ và điện Khâm Văn
Là một trong năm khu vườn ngự uyển nằm bên trong Hoàng Thành, là nơi học tập và vui chơi của Hoàng tử, có diện tích lớn và cách bài trí hài hòa, đẹp mắt.
3. Trường Quốc Học Huế
Trường được xây dựng trên nền của Dinh Thủy sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân độ triều Nguyễn) ở bờ Nam sông Hương. Lúc đầu trường chỉ là những dãy nhà tranh, đến năm 1914, những dãy nhà tranh được thay thế bằng hai dãy nhà lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố theo kiểu Tây Âu và kiến trúc này đã được duy trì cho đến ngày nay.
4. Chùa Từ Đàm
Tọa lạc tại số 1 Sư Liễu Quán, thành phố Huế, chùa Từ Đàm ban đầu có tên gọi là Ấn Tôn, do Minh Hoằng Từ Dung khai sơn trong khoảng từ năm 1695. Chùa Từ Đàm được rất nhiều người biết đến do vai trò quan trọng của chùa trong công cuộc chấn hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam thời cận đại; đồng thời cũng là một điểm đến nổi tiếng khi nhắc đến các điểm du lịch Huế.
6. Chùa Thiên Mụ
Không thể nào “nhắm mắt làm ngơ” danh thắng này khi nhắc về du lịch Huế – chùa Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ, còn có tên gọi khác là chùa Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê thuộc tả ngạn sông Hương, phường Kim Long, thành phố Huế (cách trung tâm khoảng 5 km về phía tây). Đây là ngôi chùa ra đời sớm nhất ở Huế (khoảng năm 1601). Khi nhắc về hình ảnh chùa Thiên Mụ, người ta thường nhớ ngay đến tháp Phước Duyên, trước là Từ Nhân Tháp; được xây dựng vào năm 1844 bởi vua Thiệu Trị. Tháp cao 21 m với hình bát giác và có bảy tầng. Mỗi tầng của tháp Phước Duyên thờ một vị Phật khác nhau. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện.
7. Đàn Nam Giao
Tọa lạc tại đường Điện Biên Phủ trong trung tâm thành phố, đàn Nam Giao chính là một điểm du lịch Huế sẽ tạo điểm nhấn cho cả “chuyến vi hành” xứ Huế của bạn, bởi đây cũng là một trong những dấu ấn và biểu tượng lịch sử nổi tiếng của vùng đất này. Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tế trời, được xây nên vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long.
8. Hải Vân Quan
Chiếc cổng đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử này là một điểm du lịch Huế nổi tiếng, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, một trong những đèo hiểm trở bậc nhất của Việt Nam với độ cao 490 m so với mực nước biển, Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, dưới thời vua Minh Mạng.
9. Nhà vườn Huế
Điểm du lịch Huế tiếp theo dành cho các tín đồ thích check-in chính là các nhà vườn. Là nhà vườn tiêu biểu nhất với kiến trúc độc đáo và cảnh quan đẹp. Ở giữa khu vườn là ngôi nhà rường ba gian hai chái với thiết kế, chạm trổ và trang trí nội thất hết sức mẫu mực.
10. Biển Lăng Cô
Là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới được bầu chọn vào năm 2009, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 75 km, bên dưới chân đèo Hải Vân. Biển Lăng Cô gần như chứa đựng tất cả những gì mà thiên nhiên có thể ban tặng: màu xanh của nước biển hòa với những cánh rừng nhiệt đới, bãi cát trắng trải dài, ánh nắng vàng ươm phủ lên cảnh vật mang lại cảm giác vừa mát mẻ nhưng cũng vừa mạnh mẽ.
11. Đồi Vọng Cảnh
Nếu muốn ngắm toàn cảnh thiên nhiên kỳ thú của xứ Huế thì phải đến đâu? Chắc chắn câu trả lời sẽ là đồi Vọng Cảnh, tọa lạc tại phường Thủy Xuân, phía tây nam thành phố Huế. Chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn và đối diện với điện Hòn Chén bên kia sông Hương.
12. Cầu Trường Tiền
Cầu Trường Tiền (hay Tràng Tiền) là cây cầu bắc qua sông Hương, được Pháp thiết kế và xây dựng hoàn tất vào năm 1889. Câu nói nổi tiếng “cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp” là mô tả chính xác chiều dài của cây cầu này (420.6 m). Sau nhiều lần thay đổi tên, sau những đợt mưa bom khiến cây cầu mất đi số nhịp ban đầu thì hiện tại, Trường Tiền vẫn là cây cầu chứng nhân lịch sử hiền hòa bắc ngang sông Hương và hằng ngày đón rất nhiều lượt du khách ghé thăm.
MÓN NGON Ở HUẾ
Cơm Hến: Nhắc tới Huế chắc hẳn ai cũng nghĩ tới món Cơm hến đầu tiên, bởi món ăn này dân dã, có mặt ở khắp nơi từ những quán ăn nhỏ trong chợ, các ngõ phố tới những nhà hàng sang trọng trong thành phố Huế. Cơm hến với nguyên liệu chính là hến nhưng phụ gia thì khá nhiều như tóp mỡ chiên giòn, mắm ruốc, rau sống, hoa chuối, giá đỗ, thân khoai môn trắng thái nhỏ, lạc rang… Tất cả trộn lẫn đem lại một hương vị đậm đà và cay nồng rất đặc trưng của xứ Huế.
Địa chỉ gợi ý:
– Quán ở Cồn Hến, Vĩ Dạ
– Quán chị Nhỏ trong ngõ ngã tư Phạm Hồng Thái – Trương Định
– Quán ở số 2 Trương Định
– Quán Cháo – Bún – Cơm hến ở 98 Nguyễn Huệ
Bún bò Huế: Có thể nói đây là món ăn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng toàn thế giới. Hầu hết khách du lịch nước ngoài đều biết đến món ăn này bởi rất nhiều bài viết trên báo, tạp chí nước ngoài hay từ những blogger du lịch nổi tiếng đều đề cập tới món Bún bò như một món ăn ngon ở Huế không thể cưỡng nổi. Một bát bún bò đúng điệu phải có một miếng chân giò, giò nắm, tiết lợn, và vài lát thịt bò… và quan trọng nhất là rau ăn kèm phải thật tươi ngon.
Địa chỉ gợi ý:
– 13 Lý Thường Kiệt, cạnh nhà khách Công Đoàn
– Quán “Mụn Rớt” gần chùa Diệu Đế
– Bún Lệ đường Điện Biên Phủ
– Quán bún Bà Phụng trên đường Nguyễn Du
– Bún Bà Mỹ ở 71 Nguyễn Công Trứ
Bánh canh: Bánh canh ở Huế mang hương vị đặc trưng của nước lèo màu đỏ từ gạch cua và tôm, khi nấu trộn lẫn với hạt điều để có màu sắc đẹp hơn. Sợi bánh canh cũng rất đặc biệt, trong suốt, dai mềm mà không nát. Nhắc đến bánh canh ở Huế thì người ta hay nhắc đến bánh canh Nam Phổ và bánh canh Bà Đợi.
Địa chỉ gợi ý:
– Quán bánh canh trên đường Phạm Hồng Thái
– Dốc Phan Bội Châu, Trường An
– Quán bánh canh cá lóc Thủy Dương ở Hương Thủy
Chè Hẻm: Những hàng chè ở Huế thường nằm trong những con hẻm nhỏ nên tự dưng “Chè Hẻm” trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Và nói tới chè thì chắc không đâu lại có nhiều loại chè như ở Huế. Chỉ tính chè cung đình đã có hơn 36 loại, cầu kỳ từ cách chế biến tới cách bày biện. Từ chè đậu xanh, hạt sen, xanh dứa… tới những món nghe lạ tai hơn như chè môn sáp vàng, chè bông cau, chè bột lọc thịt quay… Rồi tới hàng chục loại chè bình dân như chè bắp, chè kê, chè khoai, đậu ván…
Địa chỉ gợi ý:
– Chè Cung Đình 31 Nguyễn Huệ
– Chè Sao ở đường Phan Bội Châu
– Quán chè ở Trương Định
Nem lụi: Nhiều người thường nói “Nem lụi là một trong những món ăn đặc sệt Huế”’. Ngoài nguyên liệu chính là nem lụi được xiên que nướng trên bếp than hồng thì cái ngon của món ăn này chính là ở các loại rau ăn kèm và thứ nước chấm được pha chế từ hàng chục nguyên liệu khác nhau.
Những quán nem lụi ngon ở Huế:
– Quán trước cửa chợ Đông Ba
– Quán trên đường Phú Quý – Nguyễn Huệ
– Quán Hạnh ở 11 Phó Đức Chính
ĐẶC SẢN HUẾ ĐỂ MUA LÀM QUÀ:
Mắm Sò Lăng Cô: Mắm sò Lăng Cô là loại mắm đặc sản Huế rất được thực khách gần xa và giới sành ăn ưa chuộng. Mắm có màu đỏ tươi, đặc sệt và có hương vị thơm ngon rất đặc biệt không lẩn với bất kỳ loại mắm nào. Sò được lựa chọn loại có thịt chắc và thơm. Sau đó ướp với củ riềng, đậu xanh rang, muối hột và ớt bột sau đó ngâm trong vòng 15 ngày. Đến khi sò nổi lên trên mặt là đã có thể thưởng thức.
Mắm Tôm Chua: Không chỉ có mắm Sò, xứ Huế còn có mắm Tôm Chua cũng được rất nhiều thực khách đánh giá cao. Vị chua chua thanh thanh của tôm, cay nồng của ớt tỏi kết hợp với các loại gia vị khác tạo nên món mắm tôm chua khiến ai ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Mè xửng: Là niềm tự hào của người dân Huế, mè xửng là thứ kẹo ngon lại còn dai dai, ăn hoài vẫn không thấy ngán. Mè (vừng) và xững (cách hoán đường) hợp thành tên kẹo. Cứ nhẹ tay bóc ra lớp nilon mỏng như tờ giấy là đã có trong tay miếng kẹo ngon lành, mùi mè rang thơm ơi là thơm, hòa lẫn trong kẹo là hương vị beo béo của đậu phộng ăn hoài cũng không ngán. Ở Huế có hàng chục cơ sở sản xuất mè xửng nổi tiếng như: Song Hỷ, Thiên Hương, Thông Hương, Thanh Bình, Song Nhân, Nam Thuận, Hồng Thuận…
Nem & Tré: Nem Huế khác với nem miền Bắc và nem miền Nam ở cách nêm gia vị. Không bao giờ ta gặp một lọn nem Huế lại có một hạt tiêu tròn ở giữa. Trong lọn nem có đủ mùi vị của thịt nạc lên men chua, da heo xắt nhỏ, thính, nước mắm kho, đường phèn, muối… Tré là món ăn riêng biệt của người Huế. Tré có hai loại: Tré bò màu nâu thơm mùi thính và có vị ngọt đậm. Tuy gọi là tré bò nhưng vẫn phải có thịt ba chỉ rán vàng, thái sợi, trộn riềng, tỏi, thính, bọc lá ổi, gói bằng lá chuối như nem chua. Còn tré heo màu đỏ nâu cũng thơm mùi thính, tỏi, vị ngọt hơi đậm, hơi chua, làm bằng thịt ba rọi rán vàng thái chỉ trộn riềng, tỏi, thính, bọc lá đinh lăng và cũng gói bằng lá chuối.
Hạt sen: Sen thì nơi đâu mà không có nhưng nếu nói hạt sen ngon thì không đâu bằng sen Huế nhất là sen bách diệp cánh hồng ở hồ Tịnh Tâm. Hiện nay, ở Huế các hồ cũng trồng sen nhưng giống sen thường, tuy thế có lẽ nhờ thổ nhưỡng sen ở Huế nếu nói không ngon thì vẫn ngon hơn ở các nơi nhiều. Nếu muốn mua hạt sen tươi hay khô thì bạn có thể ghé chợ Đông Ba, với nhiều loại khác nhau. Giá khoảng 200.000 đồng/1kg hạt sen tươi.
Dầu tràm: Dầu tràm là một trong những sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Huế. Từ lâu đối với mỗi gia đình ở Huế trong nhà khi nào cũng có một chai dầu tràm để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Dầu tràm có tác dụng phòng ho, tránh gió, cảm lạnh… cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người lớn rất hiệu quả. Giá của dầu tràm khoảng 50-100.000 đồng/ chai tùy theo thể tích.
Trà cung đình: Trà cung đình được chế biến theo công thức được coi là lấy từ trong cung đình nhà Nguyễn thời xưa, là thức uống dành cho vua chúa. Trà cung đình Huế nay được đóng gói dạng tiện lợi, dễ mua về làm quà. Vị trà ngọt thanh, có công dụng thanh nhiệt giải khát rất dễ uống nên được nhiều người ưa chuộng.
Kẹo cau: Kẹo cau là một thứ kẹo bình dân dành cho trẻ con, trông như miếng cau chẻ sáu, gồm có phần trong cứng màu vàng nhạt, tượng trưng cho hạt cau, là một phiến nước đường vàng óng; phần ngoài màu trắng, là thịt cau, làm bằng bột trộn đường. Đây là một món ăn dân dã khá lâu đời ở Huế, kẹo cau xưa thường được gói trong lá chuối khô nhưng giờ được làm thành miếng như miếng cau mới bổ, gói trong giấy bóng kiếng sạch sẽ.
KHÁCH SẠN ĐẸP Ở HUẾ
Để tận hưởng chuyến du lịch Huế một cách trọn vẹn nhất, FantaSea gợi ý cho bạn một số khách sạn đẹp ở Huế tại trung tâm thành phố để tiện khám phá các địa danh nổi tiếng cũng như làm điểm dừng chân sau những buổi tham quan nhé:
Địa chỉ: 15 Lý Thường Kiệt, Vĩnh Ninh, Huế
Địa chỉ : 38 Lê Lợi, Phú Hội, Huế
Địa chỉ: 50A Hùng Vương, Phú Nhuận, Huế
Địa chỉ : 8 Hùng Vương, Phú Nhuận, Huế
Best Western Premier Indochine Palace
Địa chỉ : 105A Hùng Vương, Phú Nhuận, Huế
La Residence Huế Hotel and Spa
Địa chỉ : 5 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Huế
Hương Giang Hotel Resort & Spa
Địa chỉ : 51 Lê Lợi, Phú Hội, Huế
Huế Riverside Boutique Resort & Spa
Địa chỉ : 588 Bùi Thị Xuân, Thuỷ Biều, Huế
Địa chỉ : 60 Bến Nghé, Phú Hội, Huế
Địa chỉ : 29 Trần Quang Khải, Huế
Địa chỉ : 12 Nguyễn Văn Cừ, Vĩnh Ninh, Huế
LIÊN HỆ TƯ VẤN VÀ ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN TẠI HUẾ
FantaSea Hà Nội: Tầng 4, Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội
FantaSea Sài Gòn: 41A Nguyễn Phi Khanh, Q1, TPHCM
Tel: Hà Nội 24.6258 8855 | Sài Gòn 28.6298 8855
Email: sales@fantasea.vn | Web: www.fantasea.vn
Giờ làm việc: 8h30 – 17h30, Thứ Hai – Thứ Bảy