IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Check in tại 9 dòng sông đẹp nhất Việt Nam
Việt Nam có tới 2.360 con sông với tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Trong số đó, rất nhiều con sông đã đi cùng năm tháng, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam và 9 con sông được nhắc đến sau đây sẽ khiến bạn muốn đi du lịch ngay thôi.
SÔNG NGÔ ĐỒNG
Quần thể danh thắng Tràng An tại Ninh Bình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Tam Cốc thuộc quần thể này, nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Sông Ngô Đồng như con đường thủy độc đạo đưa du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của Tam Cốc. Uốn lượn duyên dáng giữa cảnh núi non hùng vĩ, sông không có đê kè hai bên, chỉ có những cánh đồng lúa đến mùa lại thơm ngát chín vàng, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Theo trang thông tin Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc chính là 3 hang xuyên qua lòng núi, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Đây đều là những hang động xuyên thủy, được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng xuyên qua núi mà tạo thành hang.
SÔNG SON
Nằm ở tỉnh Quảng Bình, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích hơn 123.300 ha, được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và ý nghĩa toàn cầu, với phần lớn diện tích là đá vôi. Vườn được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2003 (tiêu chí địa chất, địa mạo) và 2015 (tiêu chí hệ sinh thái, đa dạng sinh học). Nơi đây có dòng sông Son thơ mộng, đi thuyền trên sông khám phá động Phong Nha là trải nghiệm du khách không thể bỏ qua.
SÔNG HƯƠNG
Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế) được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993. Kinh thành Huế là bộ phận quan trọng của di sản. Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Kinh thành Huế được quy hoạch bên bờ bắc sông Hương, xoay mặt về hướng nam theo triết lý phương Đông và truyền thống kiến trúc Việt Nam. Sông Hương trước mặt là minh đường tụ thủy, bên kia sông là núi Ngự như bức bình phong thiên nhiên, làm tiền án. Trên sông Hương có cồn Hến và cồn Dã Viên, ở thế tả thanh long – hữu bạch hổ, cùng chầu về kinh thành. Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê ở tả ngạn sông Hương, là ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở đất cố đô. Tương truyền chùa được chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng lên để “tụ linh khí, bền long mạch”, đến nay đã có lịch sử hơn 400 năm. Trong sân chùa có tháp Phước Duyên, một điểm nhấn kiến trúc hình bát giác độc đáo. Với nhiều du khách khi đến Huế, chùa Thiên Mụ là địa điểm không thể không viếng thăm.
SÔNG SÊRÊPÔK
Nằm ở phía Tây Trường Sơn, sông Sêrêpôk chảy sang đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mê Kông để sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam. Sông Sêrêpôk dài 406 km, có nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ như: thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H’linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh… là những điểm nổi bật hấp dẫn khách du lịch. Ở đây có các loài cá đặc sản như cá lăng và đặc biệt là cá mõm trâu, loài cá được xem là cá anh vũ tiến vua.
SÔNG THU BỒN
Đô thị cổ Hội An nằm ở tả ngạn, hạ lưu sông Thu Bồn, một dòng sông quan trọng cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân xứ Quảng. Một nhánh nhỏ của đoạn sông Thu Bồn chảy qua Hội An, lượn sát phố cổ thường được gọi là sông Hoài. Có ý kiến cho rằng có lẽ vì thế, nên nơi đây còn được nhắc đến với danh xưng Hoài Phố. Năm 1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa Thế giới. Chùa Cầu là một trong những di tích tiêu biểu nhất ở Hội An. Đây là chiếc cầu bắc qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, nối đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai, trên cầu có ngôi chùa gỗ. Trang TTĐT TP Hội An cho biết chùa còn có tên chữ là Lai Viễn Kiều, do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt vào năm 1719, có nghĩa là cầu của người phương xa đến.
SÔNG HÀN
Sông Hàn, tức Hàn Giang bắt đầu từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng. Bắc qua sông Hàn là 6 cây cầu vô cùng nổi tiếng của Đà Nẵng, lần lượt là cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Tiên Sơn. Đây đều là những biểu tượng của du lịch Đà Nẵng, đặc biệt là cầu Rồng. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.
SÔNG NHO QUẾ
Là phụ lưu của sông Gâm, sông Nho Quế có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) từ độ cao 1.500m với dòng chảy theo hướng tây bắc – đông nam. Sông nhập vào lãnh thổ Việt Nam tại địa phận thôn Xéo Lủng, phía sau cột cờ Lũng Cú, uốn lượn như dải lụa qua hẻm vực Tu Sản bên dưới đèo Mã Pì Lèng. Tiếp tục chảy qua địa phận Mèo Vạc rồi sang đất Cao Bằng trước khi hòa vào dòng sông Gâm. Có độ dài lên đến 46km, chạy xuyên suốt Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đến khi “gặp” hẻm vực Tu Sản, quanh co uốn lượn dưới góc nhìn đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế mới tạo nên một bức tranh thủy mặc hoàn mỹ, với núi non hùng vĩ được ôm trọn trong dòng sông nên thơ, cùng những vách núi đá hiểm trở. Điều đặc biệt nữa, quanh năm nước sông Nho Quế luôn luôn có một màu xanh ngọc bích, nổi bật lên giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ.
SÔNG CỬU LONG
Sông Cửu Long là tên gọi của hạ lưu sông Mê Kông. Từ Campuchia, sông Cửu Long chia làm hai nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu. Do có đến chín cửa sông đổ ra biển Đông, sông Mê Kông đoạn qua Việt Nam còn được gọi là sông Cửu Long, tức “sông chín rồng”. Hàng năm khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng, chiếm 50% so với cả nước. Kết quả đạt được của du lịch sông Cửu Long đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của toàn vùng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.
SÔNG BẾN HẢI
Sông Bến Hải hay Rào Thanh là một con sông tại miền Trung Việt Nam. Sông này bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17° Bắc, từ Tây sang Đông rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Bến Hải là một địa danh ở thượng lưu sông, nên tên sông Bến Hải lấy từ địa danh này. Sông Bến Hải được biết đến nhiều nhất vì vị trí chia cắt hai miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) và Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Nguồn: TH