Một người Mỹ nói Trung Quốc không thể xây đường sắt đến Tây Tạng: 23 năm sau kỳ tích xuất hiện, đường sắt Thanh Tạng xác lập 9 kỷ lục thế giới.
Hành trình viếng mộ Võ Thị Sáu tại Côn Đảo
Mảnh đất Côn Đảo vẫn mang trong mình nét hoang sơ bình dị, nơi mà trước đây đau thương của chiến tranh vẫn in hằn trên từng thớ đất thì ngày nay đã trở thành địa danh du lịch yên bình và tâm linh. Đã về với Côn Đảo, chắc chắn phải ghé qua nghĩa trang Hàng Dương dâng hương, hoa trước phần mộ của người con gái Đất Đỏ Võ Thị Sáu để thể hiện lòng biết ơn với nữ anh hùng có công với đất nước.
Sinh năm 1933 ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Chị Sáu theo anh trai gia nhập Việt Minh lên chiến khu chống Pháp năm 14 tuổi. Chị tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương và lập nhiều chiến công lớn như phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp năm 1948, ném lựu đạn vào trụ sở làm việc của tổng Tòng. Tháng 2/1950, chị Sáu nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay rồi không may bị bắt. Chị bị địch tuyên án tử hình và chuyển ra nhà tù Côn Đảo, dù bị tra tấn dã man nhưng chị quyết không khai báo. Chị anh dũng hy sinh ngày 23/1/1952 với nhiều huyền thoại còn lưu truyền tới ngày hôm nay. Mộ của chị nằm ngay dưới gốc cây Dương mất ngọn, cành hướng về phía Bắc, là nơi mà mọi người đến thắp nhang, cầu khấn xin bình an, công danh,… Nhưng trên tất cả trong sâu thẳm trong tâm của mỗi người con đất Việt là sự thành kín, biết ơn về người anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ đất nước.
Theo quan niệm của nhiều người, thời gian viếng nghĩa trang Hàng Dương linh thiêng nhất là vào ban đêm. Không giống như những nghĩa trang khác, Hàng Dương thời khắc sau giờ Tý thường đông hơn, không u uất cũng chẳng đau thương mà bao trùm là không khí ấm cúng, nhẹ nhàng. Khi đi lễ viếng cô Sáu cũng không phải chuẩn bị quá nhiều đồ, thông thường bộ đồ đưa lên cô Sáu bao gồm 1 nón lá, 1 sấp giấy tiền vàng bạc tổng hợp, 1 bộ lược gương, 1 sấp các thỏi vàng, 1 chai nước suối, 1 bó nhang và quan trọng nhất là phải có hoa trắng. Bởi tương truyền lúc còn sống cô Sáu yêu những loài hoa màu trắng. Khi đến lễ cô Sáu, nhớ ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ để tránh gây ảnh hưởng đến tôn nghiêm nơi đây. Cô Sáu còn cho ta tin rằng, ngay trên hòn đảo lịch sử này đã làm nên một huyền thoại về sự tồn tại vĩnh hằng của một kiếp người. Rằng khi một người anh hùng chết, thể xác họ tan biến những tâm hồn sẽ không lưu hồi mà vẫn mãi sống trong niềm tin của nhân dân, của đất nước.
Nghĩa trang Hàng Dương cũng là nơi yên nghỉ Liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong, anh hùng Cao Văn Ngọc, Nguyễn An Ninh và biết bao các anh hùng đã hy sinh vì dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có trên 20.000 chiến sĩ hy sinh tại Côn Đảo nhưng đến nay chỉ tìm được 1921 phần mộ, trong đó có 713 phần mộ tìm được họ tên, quê quán. Tất cả các mộ phần được quy tập về chôn cất tại nghĩa trang Hàng Dương. Tại đây sau thời gian tôn tạo có diện tích hơn 19.000 m2, chia làm các khu A,B,C,D… Mỗi khu gắn với từng giai đoạn lịch sự và tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ. Riêng khu D có 157 ngôi mộ, trong đó có nhiều mộ khuyết danh và mộ được quy tập từ nghĩa trang Hòn Cau và Hàng Keo về. Đã đến Hàng Dương viếng mộ Võ Thị Sáu cũng đừng quên tỏ lòng thành kính và thắp nén hương trước các phần mộ của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu để chúng ta có cuộc sống thanh bình ngày nay.
Du lịch Côn Đảo, ngoài ghé thăm nghĩa trang Hàng Dương – viếng mộ Võ Thị Sáu, du khách còn có thể tham quan nhà tủ Côn Đảo – nơi được xem là “địa ngục trần gian” hay ghé chùa Núi Một, miếu Bà Phi Yến,…. Sau đó nghỉ ngơi, hít thở bầu không khí trong lành trên các bãi biển, các khu resort. Bởi giờ đây Côn Đảo không chỉ là mảnh đất du lịch tâm linh mà còn là địa danh hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đặc sắc.