IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc, Cao Bằng cực tiết kiệm
Tuần này FantaSea sẽ gửi đến các bạn bài viết Kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc cực tiết kiệm, hướng dẫn bạn một cách chi tiết nhất cách di chuyển, ăn uống, khám phá cảnh quan thiên nhiên tại đây nhé!
Tiến về phía Đông Bắc của tổ quốc là chốn Cao Bằng rừng thiêng nước độc, nơi có dòng sông Quây Sơn ngăn đôi lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc, nơi mà người lính xưa đi trấn thủ thường nói, khó hy vọng ngày trở về. Người dân nơi đây tuy còn gian khó, lạc hậu về vật chất nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình nghèo, bởi lẽ ông thần ở vùng đất này cho họ biết bao nhiêu thứ, đất để canh tác, rừng để kiếm ăn, và hơn thế nữa là những cảnh quan thiên nhiên tráng lệ không đâu sánh được, mà nổi tiếng nhất vẫn là thác Bản Giốc – một trong những thác nước hùng vĩ nhất thế giới.
Thời điểm thích hợp để du lịch thác Bản Giốc, Cao Bằng
Khí hậu ở thác Bản Giốc được chia thành 2 mùa mưa – khô rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9. Đây là thời điểm thác Bản Giốc hùng vĩ nhất, thác tuôn nước ồ ạt, bọt tung trắng xóa. Còn mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, thời điểm này thác Bản Giốc khá yên bình, nước xanh trong vắt kết hợp với mùa lúa chín vàng dưới chân thác tạo nên một khung cảnh không thể lãng mạn hơn.
Phương tiện di chuyển đến thác Bản Giốc, Cao Bằng
Cao Bằng cách thủ đô Hà Nội khoảng 400km, nên từ Hà Nội lên Cao Bằng phải mất cả ngày trời. Theo những người có kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc cực tiết kiệm cho biết, tốt nhất là bạn nên di chuyển bằng ô tô cá nhân hoặc xe khách, hạn chế chạy xe máy vì đường xa đi lại rất nguy hiểm. Nếu không chắc tay lái và sức khỏe yếu không nên mạo hiểm.
Nếu đi bằng ô tô bạn có thể đi theo hai lộ trình:
+ Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc
+ Hà Nội – Lạng Sơn – Đông Khê (Cao Bằng) – Trùng Khánh – Bản Giốc.
Nếu đi xe khách:
Bạn có thể ra bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Lương Yên, Hà Nội để mua vé. Giá vé ngày thường dao động trong khoảng 200.000đ/vé, ngày lễ tết vé có thể tăng lên đáng kể. Vì thời gian di chuyển khá dài nên chọn xe giường nằm, đa phần các nhà xe đi Cao Bằng đều xuất bến Mỹ Đình vào lúc 19h30 -20h30 mỗi ngày. Bạn có thể chọn một số nhà xe uy tín cho chặng này như:
+ Nhà xe Mai Luy 0913252888, khởi hành lúc 19h30
+ Nhà xe Thanh Ly 0916121888 – 0912237252, khởi hành lúc 19h30.
+ Nhà xe Hiền Lợi 0915046784 – (026) 385.8679, khởi hành lúc 10h10 sáng xe 29 chỗ.
Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc nằm trên con sông Quây Sơn – biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở phía Đông Bắc. Quây Sơn có dòng chảy khá kỳ lạ, xuất phát từ hàng trăm ngọn suối từ huyện Tĩnh Tây, Trung Quốc dồn về thành dòng sông lớn trên biên giới, nhưng khi đến xã Đạm Thủy đột ngột bị đứt gãy độ cao, dòng nước trở thành đập tràn dữ dội, tạo nên kỳ quan thác Bản Giốc.
Thác Bản Giốc cao gần 50m, chia thành 2 nhánh. Nhánh lớn với độ cao thấp, chảy qua từng bậc đá vôi thấp. Nhánh còn lại nhỏ hơn nhưng lại cao hơn, chảy hiền hòa giống như mái tóc của thiếu nữ. Vào mùa mưa, con thác trở nên mãnh liệt hơn, tung trắng xóa cả một vùng non nước rộng chừng ba trăm mét. Từng đợt sóng trào, tựa sóng gầm trời đất bao la va đập vách núi, ngang tàng mãnh liệt.
Mỗi buổi sớm, khi nắng chiếu rọi bao giờ bụi nước cũng quầng lên hình ảnh cầu vồng bảy sắc. Đúng như cố thi sĩ Hoàng Trung Thông đã từng viết từ năm 1961, với hình ảnh miêu tả: “Đây trời nghiêng sóng trào nước đổ/ Đây mưa phun khói tỏa ngày đêm/ Đây bảy sắc cầu vồng bay múa/ Khi ngày về núi đỡ mặt trời lên”.
Những địa điểm du lịch ở Cao Bằng gần thác Bản Giốc
Đến Bản Giốc không chỉ du lịch thác Bản Giốc mà bạn còn có thể ghé thăm qua những địa danh gần đó như động Ngườm Ngao, hang Pác Bó – suối Lê-nin, hồ Thang Hen…
Hang Pác Bó là một hang đá nằm trong một dãy núi lớn, trước cửa hang có một dòng suối nhỏ mà Bác đặt tên là suối Lê-nin. Hang Pác Bó hiện ra bên sườn núi đá lởm chởm. Đứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá tranh tối tranh sáng còn thấy được dòng chữ của Người: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”. Đấy là ngày Bác đến ở hang này, một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi, chẳng mấy ai để ý tới. Suối Lê-nin lại là một dòng suối trong vắt, đôi lúc lại xanh màu mây trời và núi rừng, nhẹ nhàng và sâu lắng.
Động Ngườm Ngao cách thác Bản Giốc khoảng 3km, toạ lạc trong lòng một quả núi thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Ngườm Ngao có tổng chiều dài 2144m với 3 cửa chính là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn.Vào sâu trong động, khám phá những khối đá vôi và thạch nhũ muôn hình vạn trạng mà du khách có thể thỏa chí tưởng tượng ra nhiều hình ảnh khác nhau. Trong động còn có một con suối nhỏ chảy róc rách khiến thiên nhiên nơi đây càng trở nên huyền ảo hơn cả.
Hồ Thang Hen là một hồ nước ngọt tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Tên của hồ theo nghĩa tiếng Tày là “đuôi ong”, bởi vì từ trên cao nhìn xuống thì hồ có hình tựa như đuôi con ong. Không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, hồ Thang Hen còn thu hút khách du lịch bởi truyền thuyết dân gian gắn liền với nó.
Kinh nghiệm ăn uống khi du lịch thác Bản Giốc
Theo những người có kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc, bạn nên chuẩn bị một số đồ ăn khô như bánh ngọt, lương khô, nước uống,…khi du lịch thác Bản Giốc. Đồng thời nên ăn uống đầy đủ ở Trùng Khánh trước khi đến thác, bởi khu vực này không có hàng quán, đồ ăn cũng không phong phú. Đặc biệt, nếu muốn ăn thì phải đặt trước, bởi ở đây không có chợ mà phải xuống Trùng Khánh để mua nên chuẩn bị rất lâu.
Đặc sản nên ăn và mua làm quà ở thác Bản Giốc
Hạt dẻ Trùng Khánh: Tháng 11 là mùa hạt rẻ. Bạn có thể mua hạt sống về tự rang hoặc mua hạt chế biến sẵn cũng được.
Vịt quay 7 vị Cao Bằng: Không phải như những món vịt quay khác, để có được món vịt quay Cao Bằng, ngay từ khi chọn vịt để chế biến đã rất công phu. Vịt cỏ thì không dùng được, ngược lại vịt to quá và nhiều mỡ cũng không dùng được. Quan trọng nhất vẫn là khâu ướp thịt với 7 hương vị đặc trưng đã làm nên món vịt Cao Bằng tuyệt đỉnh!
Rau dạ hiến: Là rau mọc dại ở núi đá Cao Bằng, thân giòn, dễ bẻ gãy được chia thành nhiều nhánh bằng đầu đũa. Rau thường mọc vào khoảng tháng 2-7 âm lịch, tuy là rau mọc dại nhưng không phải ở đâu cũng có. Rau không chỉ ngọt ngon, lạ miệng mà còn có công dụng điều trị thận, mạnh gân cốt. Rau dạ hiến thường được xào giống nhu xào rau muống, xào tái là ngon hơn cả.
Bánh trứng kiến: Bánh trứng kiến được làm từ bột gạo nếp, trứng kiến và lá vả, sung non. Vào khoảng tháng 4,5 bà con dân bản sẽ vào rừng để thu hoạch trứng kiến, trứng kiến Cao Bằng hạt mẩy, vị béo và hàm lượng đạm cao. Bánh trứng kiến có vị béo ngậy của trứng kiến, dẻo của bột gạo nếp, mùi thơm đặc trưng của lá vả.
Lạp xưởng: Ở mỗi địa phương khác nhau cách làm và hương vị cũng khác nhau. Riêng Lạp xưởng Cao Bằng có vị béo ngậy, không hun khói nhiều nên dễ ăn, màu hồng đẹp.
Ở đâu khi đến Cao Bằng?
Với nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng, ngành du lịch dịch vụ ở Cao Bằng khá đa dạng, trung bình giá thuê nhà nghỉ ở thành phố Cao Bằng dao động khoảng 200.000đ/đêm. Còn giá thuê phòng khách sạn thì cao hơn khoảng 500.000đ/đêm. Riêng khu vực thị trấn Bảo Lạc, Phúc Hòa, Tĩnh Túc nhà nghỉ ở đây có giá khoảng 300.000đ/phòng/đêm. Một số khách sạn giá rẻ và chất lượng ở Cao Bằng bạn có thể tham khảo như:
Khách sạn ở TP. Cao Bằng
+ Khách sạn Đức Trung – (84-26) 385 3424.
+ Khách sạn Ánh Dương: 78 Kim Đồng, phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng. Điện thoại: (026) 385 8467.
+ Khách sạn Bằng Giang: Kim Đồng, phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng. Điện thoại: (026) 385 3431.
+ Khách sạn Hoàng Anh: 131 Kim Đồng, phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng. Điện thoại: (026) 385 8969.
+ Khách sạn Hoàng Gia: 26B Lê Lợi, phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng. Điện thoại: (026) 385 8168.
Nhà nghỉ ở Trùng Khánh
+ Nhà nghỉ Hoàn Lê, Trùng Khánh: 026.826221 / 0915425531
+ Nhà nghỉ Thiên Tài: 026.3826537 (Gần đến chợ Trùng Khánh).
+ Nhà nghỉ Đình Văn: 026.3602789 (Bên phải chợ Trùng Khánh).
Nhà nghỉ thác Bản Giốc
+ Nhà nghỉ Đình Văn 2 (0263.82.80.82)