IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Kinh nghiệm du lịch miền Tây từ A đến Z
Không ồn ào, tấp nập, miền Tây luôn mang lại một cảm giác yên bình và nét giản dị cho du khách. Nơi đây sở hữu những cánh đồng lúa rộng bạt ngàn, những miệt vườn trái cây trĩu quả, những cánh rừng tràm xanh ngút ngàn cùng các loại động thực vật quý hiếm. Cứ đến mùa nước dâng khoảng tháng 8 – tháng 10, miền Tây lại nhộn nhịp bởi những khu chợ nổi tấp nập, khách du lịch nườm nượp ghé thăm. Du lịch miền Tây vào dịp này thường sẽ nhộn nhịp hơn bởi nước dâng cao thì cá tôm cũng dồi dào, các hoạt động du lịch cũng diễn ra sôi nổi. Mùa nước nổi ở miền Tây thường rõ nét nhất ở các tỉnh đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long gồm: Vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc An Giang, Kiên Giang…, vùng Đồng Tháp Mười thuộc Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN ĐẾN MIỀN TÂY
Đường hàng không: Nếu có đủ điền kiện tài chính và muốn tiết kiệm thời gian, du khách có thể lựa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, chỉ có hãng hàng không Vietnam Airline thực hiện chuyến bay TP.HCM – Cần Thơ khởi hành lúc 05:55, còn chuyến bay Hà Nội – Cần Thơ thì được thực hiện bởi hai hãng hàng không là Vietjet Air và Vietnam Airline.
Đường ô tô: Du lịch miền Tây bằng ô tô là lựa chọn được nhiều du khách lựa chọn vì ít tốn kém. Du khách có thể mua vé đi các tỉnh miền Tây tại bến xe miền Tây ở 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM hoặc mua vé trực tiếp tại các đại lý chính hãng. Đặc biệt, du khách nên mua vé ở những nơi uy tín để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đường xe máy: Nếu xuất phát từ TP.HCM, du khách có thể chọn xe máy làm phương tiện di chuyển. Như vậy, du khách thoải mái chủ động về thời gian, có thể đi, nghỉ hoặc dừng tùy thích và không bị bỏ lỡ những địa điểm đẹp trong suốt chuyến hành trình. Ngoài ra, khi đi vào ban đêm, du khách nên đi chậm, cần thẩn và bật pha đèn sáng để không bị nhầm đường hoặc đi vào bụi rậm.
ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH MIỀN TÂY HẤP DẪN NHẤT
Mỗi tỉnh miền Tây lại có đặc trưng riêng. Tuy nhiên vào mùa nước nổi, bạn nên ghé qua những địa danh nổi tiếng dưới đây.
Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang: Chợ nổi Cái Bè là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất miền Tây với nhiều hàng hóa đa dạng, đặc biệt là trái cây. Nét độc đáo của chợ là trên mỗi thuyền đều có vài cây sào treo các sản phẩn cần bán. Khi đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu cuộc sống của người dân sông nước, dạo quanh vườn trái cây, tham quan các làng nghề truyền thống và nghe đờn ca tài tử.
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ: Chợ nổi Cái Răng nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km, chuyên buôn bán các loại trái cây và đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến với chợ nổi Cái Răng, khách sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp, thưởng thức các món ăn dân dã và còn được mua nông sản tươi ngon tại vườn.
Làng nổi Tân Lập (Rừng tràm Tân Lập), Long An: Toạ lạc ở huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An, làng nổi Tân Lập hay còn được gọi là rừng tràm Tân Lập. Nơi đây được nhiều du khách “săn lùng” nhờ có khu rừng tràm rậm rạp, tạo sự kỳ bí khi đi sâu vào bên trong. Nơi đây cũng thích hợp để thoát khỏi thị thành, hoà mình thiên nhiên, cây cối xanh tốt. Đến đây, bạn có thể thuê thuyền hoặc canô để len lỏi vào cánh rừng hoặc đi bộ trên con đường xi măng xuyên rừng tràm dài nhất Việt Nam. Ngọn tháp có độ cao 38 m là điểm nhấn của làng nổi. Từ trên đỉnh tháp, du khách có dịp thu vào tầm mắt toàn cảnh làng nổi, đó là sự mênh mông, thoáng mát mà ở thành phố bạn ít dịp được thấy.
Đầm Thị Tường, Cà Mau: Đầm Thị Tường nằm cạnh kênh xáng Bà Kẹo là khu đầm tự nhiên lớn và đẹp nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Đầm có chiều dài 10km với nhiều nhà sàn nhỏ nổi trên mặt đầm là nơi để cư dân nơi đây thu hoạch tôm, cá. Bên cạnh việc ngắm cảnh, du khách còn được ghé qua nhà hàng Xẻo Đước và thưởng thức các món hải sản tươi ngon.
Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp: Với diện tích rộng khoảng 7313ha, vườn quốc gia Tràm Chim nằm ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp thu hút du khách bởi những cánh rừng tràm xanh ngắt và nhiều loài chim quý hiếm. Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội ngồi thuyền máy chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh, lắng nghe tiếng chim hót và thưởng thức các món đặc sản hấp dẫn.
Búng Bình Thiên, An Giang: Búng Bình Thiên cách trung tâm thành phố Châu Đốc 35km là một hồ nước ngọt lớn nhất của miền Tây Nam. Vào mùa nước nổi, Búng Bình Thiên lại càng đẹp hơn với nước trong xanh và nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc. Đặc biệt, du khách đến du lịch Búng Bình Thiên còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đua thuyền, bơi lội, nơm cá…
Miệt vườn Vĩnh Kim, Tiền Giang: Miệt vườn Vĩnh Kim là một trong những vườn trái cây lớn của Tiền Giang với không gian thoáng mát và luôn có mùi trái cây thơm dịu. Khi đến một trong những địa điểm du lịch miền Tây nổi tiếng này, du khách sẽ được tham quan vườn cây trái xum xuê, ngồi thuyền ngắm cảnh đẹp ở Vĩnh Kim và thưởng thức đặc sản trái cây nổi tiếng như vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp…
Miệt vườn Cái Mơn, Bến Tre: Miệt vườn Cái Mơn cách thành phố Bến Tre khoảng 40km được xem là xứ sở của các loại trái cây ngon nổi tiếng như chôm chôm, xoài, sầu riêng, nhãn… Đến với miệt vườn Cái Mơn, du khách sẽ được tham quan vườn trái cây trĩu quả, tận tay hái tại vườn và thưởng thức, đồng thời nghe người dân hướng dẫn cách chăm sóc từng loại cây.
NHỮNG ĐẶC SẢN PHẢI THỬ KHI DU LỊCH MIỀN TÂY
Gỏi sầu đâu khô cá sặc: Gỏi sầu đâu là món ăn của người Campuchia du nhập vào các tỉnh biên giới như An Giang, Kiên Giang và trở thành món ăn của nhiều gia đình miền Tây. Hoa và lá non của cây sầu đâu được dùng để làm gỏi, chúng có vị đắng nên thường được trụng qua nhằm giảm vị. Trong số các món ăn từ cây sầu đâu phải kể đến gỏi khô cá sặc. Những con khô được nướng rồi xé nhỏ. Nguyên liệu còn có thịt heo luộc cắt miếng, dưa leo bào mỏng. Người thích ăn cay có thể yêu cầu gia giảm ớt trái.
Hủ tiếu chợ nổi: Ngoài trái cây, rau quả, nhiều thuyền nhỏ còn bán cả đồ ăn sáng, nước uống, đồ ăn vặt để phục vụ thương hồ và du khách. Thưởng thức một tô hủ tiếu nóng hổi, ngút khói trên chiếc xuồng ba lá đang dập dềnh trên mặt nước, bốn bề là cảnh mua bán tấp nập là trải nghiệm không thể quên với du khách.
Bánh xèo bông điên điển: Điên điển là loài hoa đặc trưng cho mùa nước nổi ở miền Tây. Vì vậy nhiều người tận dụng nguyên liệu này để tạo ra nhiều món ăn níu chân khách. Trong số đó không thể không kể đến món bánh xèo bông điên điển. Bột làm vỏ bánh phổ biến là bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ cho bánh được vàng và thơm. Nhân bánh gồm thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp gia vị xào cùng bông điên điển có vị giòn ngọt. Món ăn đem lại cho thực khách nhiều hương vị nhưng lại hài hòa. Bạn sẽ cảm nhận được chút chua cay của nước chấm, ngọt của tôm thịt, giòn giòn của vỏ bánh, bông điên điển và bùi thơm của mỡ hành. Ăn kèm với bánh xèo là các loại rau như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ…
Chuột nướng lu: Chuột là món nhiều người không dám thử. Tuy nhiên, thịt chuột đồng lại được nhiều người từng ăn đánh giá là thơm ngon, có vị khác lạ. Về miền Tây, chuột nướng lu là món nổi tiếng. Những con chuột béo múp sau khi làm sạch, sơ chế rồi tẩm ướp các loại gia vị như muối ớt, sả… Kế đến, đầu bếp sẽ móc từng con vào lu. Sự thành công ở món ăn nằm ở khâu nướng, đầu bếp phải liên tục quay và trở tay cho thịt chín đều, thêm mỡ, nước gia vị. Thịt chuột khi chín tới toả mùi thơm nức, mềm và da rất giòn.
Cá linh, cá bống dừa kho tiêu: Khi con nước dâng, lưới của người dân miền Tây lại bội thu hơn. Cá linh, cá bống dừa được bày bán nhiều ở các chợ. Những con cá đem kho tiêu vị hơi mặn một chút thích hợp cho bữa cơm chính. Cá phải được kho trong tộ hoặc nồi đất, trên lửa liu riu mới ngon. Bữa cơm dân dã không thể thiếu đĩa rau sống ăn kèm.
Lẩu cá linh bông điên điển: Đây là một những đặc sản luôn được người miền Tây mang ra mời khách mỗi khi mùa nước nổi về. Lũ bắt đầu dâng, cá từ thượng nguồn xuôi về, lên đồng để đẻ là lúc báo hiệu mùa cá linh. Tuỳ theo từng vùng mà cá linh được người dân nấu bằng nhiều cách khác nhau. Cạnh bên nồi nước lẩu toả khói là đĩa cá linh tươi roi rói, đĩa bông điên điển vàng rực, kèm theo đó là các loại rau khác như rau muống, rau nhút… Cá linh dễ chín nên ăn lúc nào khách cho vào lúc đó để hương vị được ngon hơn. Ăn kèm với lẩu cá là bún tươi hoặc cơm trắng, và không thể thiếu chén nước mắm ớt để chấm.
MỘT SỐ QUÁN ĂN NGON Ở MIỀN TÂY
Quán bánh xèo An Hòa: Quán nằm tại địa chỉ 26C Nguyễn Đình Chiểu, phường 8, thành phố Bến Tre. Tại đây không chỉ cung cấp cho du khách nhiều loại bánh xèo lạ miệng mà còn tạo thiện cảm với mọi người bằng một không gian rộng rãi, sạch sẽ.
Nhà hàng Xẻo Quít: Nhà hàng Xẻo Quít nằm bên trong khu du lịch Xẻo Quít ở ấp 4, xã Mỹ Hiệp, Đồng Tháp. Tới đây du khách có thể thưởng thức những món ăn dân tộc đậm chất miệt vườn Nam Bộ từ chuột đồng nướng, cá lóc nướng trui, lẩu cá linh bồng điên điển,…đén các lạoi bánh dân dã khác.
Hải Đông Quán: Tọa lạc trên đường Võ TrườngToản, phường 1, TP Cao Lãnh, Hải Đông Quán nổi tiếng bởi một món ăn duy nhất, đó là chuột đồng quay lu. Khi bước tới quán, mùi thịt thơm lừng tỏa ra khắp nơi liền cuốn hút mọi du khách.
Hủ tiếu chay Thanh Tú: Chuyến xe về miền Tây nào theo Quốc lộ 1A bao giờ cũng đi ngang qua ngã tư Cái Bè, nơi đã tồn tại một quán ăn ngon trứ danh mấy chục năm trời là Hủ tiếu chay Thanh tú. Từ ngã tư Cái Bè rẽ vào đường thị trấn khoảng 300m là du khách sẽ tới quán. Chỉ cần bỏ ra 30.000đ, du khách sẽ được thưởng thứ một tô hủ tiếu thanh ngọt với nhiều nguyên liệu đặc biệt.
LƯU Ý KHI DU LỊCH MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI
Thời tiết miền Tây mùa nước nổi thi thoảng có mưa, du khách nên chuẩn bị sẵn áo mưa, ô (dù). Bạn nên ưu tiên hành trang gọn nhẹ, dễ di chuyển. Đi lại trên sông, du khách cũng nên bảo vệ các thiết bị cẩn thận phòng trường hợp bị rơi xuống nước. Chi phí sinh hoạt ở miền Tây cũng hợp lý không quá đắt. Trong trường hợp bị động, không tìm được khách sạn hay nhà nghỉ bạn cũng có thể xin tá túc lại nhà người dân. Ngoài ra, người miền Tây thích ăn ngọt, nếu không quen với khẩu vị này, bạn nên nhắc trước đầu bếp để nêm nếm cho vừa miệng nhé. Nguồn: TH