Hãy bắt đầu hành trình đến Edinburgh, thủ đô tuyệt đẹp của Scotland, nổi tiếng với lịch sử phong phú, cảnh quan hùng vĩ và đời sống văn hóa sôi động.
Kinh nghiệm xin visa du lịch Châu Âu tự túc
Visa du lịch châu Âu hay còn gọi là Visa Schengen là loại visa cho phép bạn di chuyển tự do trong khối Schengen (châu Âu), gồm 26 nước: Đức, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Estonia, Hungary, Iceland, Lettonia, Lituanie, Luxembourg, Malta, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia, Slovenia. Các vương quốc nhỏ và vùng lãnh thổ như Vatican & San Marino (thuộc Ý), Monaco, Andorra cũng cho phép người có visa du lịch châu Âu nhập và xuất cảnh.
Khi đã có visa du lịch châu Âu, bạn chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh/xuất cảnh 1 lần duy nhất khi nhập cảnh tại nước đầu tiên và xuất cảnh tại nước cuối cùng thuộc khu vực Schengen. Lưu ý là mặc dù được thoải mái đi lại trong khối Schengen nhưng bạn luôn phải mang theo passport vì có khả năng cảnh sát sẽ kiểm tra, cẩn thận một chút vẫn hơn nhé. Mặc dù dùng chung visa Schengen nhưng thông thường, bạn bay vào nước nào đầu tiên thì sẽ phải xin visa tại lãnh sự quán của nước đó. Cũng có trường hợp nhập cảnh nước khác vẫn được nhưng bạn phải chứng minh được nước có visa là nước bạn sẽ lưu trú lâu nhất và thủ tục chứng minh sẽ hơi lằng nhằng chút. Vì vậy để tránh rắc rối không đáng có, cứ xin visa nước nào thì bay vào nước đó đầu tiên.
Phần lớn các nước trong khối Schengen không chấp nhận cấp visa du lịch tự do cho công dân Việt Nam mà cần có giấy mời của người bảo lãnh, ngoại trừ Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha. Vì vậy khi xin visa du lịch châu Âu thì bạn có thể đến Lãnh Sự Quán hoặc trung tâm tiếp nhận visa của 1 trong 4 nước này tại Hà Nội hoặc TP. HCM nhé. Hai nước dễ xin visa hơn là Pháp (chính sách thu hút khách du lịch ưu tiên cho người Việt, visa cho cấp dài ngày) và Hà Lan (thủ tục đơn giản).
Những nơi tiếp nhận hồ sơ:
– Trung tâm VFS: Xin Visa Hà Lan, Ý, các nước Bắc Âu,…
– Trung tâm TLS: Xin Visa Pháp, Thụy Sĩ, Estonia.
Hoặc bạn cũng có thể xin trực tiếp tại LSQ, nhưng bạn lưu ý thông thường các nước đã chuyển giao cho các trung tâm tiếp nhận hồ sơ rồi thì sẽ không tiếp nhận trực tiếp tại LSQ nữa.
Các bước tiến hành làm visa Schengen
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin visa Schengen với mục đích du lịch theo hướng dẫn của từng trung tâm, bạn nhớ xem cụ thể các giấy tờ cần chuẩn bị để không bị thiếu nhé.
Bước 2: Đặt lịch hẹn với trung tâm qua hotline hoặc website của trung tâm. Khi thực hiện đặt hẹn qua website thì yêu cầu phải tạo tài khoản. Sau khi tạo tài khoản xong thì tạo đơn xin Visa hoặc download đơn xin visa xuống rồi điền vào.
Bước 3: Đến trung tâm nộp hồ sơ theo lịch hẹn và quan trọng là đến đúng giờ như lịch hẹn nhé. Nếu trễ giờ, TLSContact có quyền hủy lịch hẹn của bạn. Khi đến họ sẽ tiến hành lấy dấu vân tay và chụp ảnh.
Bước 4: Đợi passport gửi về nhà hoặc lên trực tiếp trung tâm nhận kết quả.
Mẫu đơn xin thị thực Schengen
Bạn vào web của TLScontact chọn nơi tiếp nhận hồ sơ ứng với nơi mình đang làm việc/sinh sống. Hà Nội xử lý hồ sơ hết các tỉnh thành, còn TP HCM chỉ xử lý hồ sơ của những người có hộ khẩu từ Huế đổ vào.
Bạn tạo account -> đăng nhập -> tạo đơn form khai online hoặc down form xuống, sau đó điền đầy đủ rõ ràng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp nhé, dán ảnh, ký tên và cũng ghi rõ ngày tháng năm.
Hai ảnh chụp hộ chiếu đạt tiêu chuẩn ICAO
Ảnh chụp trên nền sáng, cỡ ảnh 3,5 x 4,5 cm, ảnh mới chụp (dưới 6 tháng). Ảnh cung cấp phải chụp rõ khuôn mặt và cổ sao cho khuôn mặt chiếm 70% – 80% khung ảnh.
Bản sao hộ chiếu và hộ chiếu gốc
Hộ chiếu gốc phải còn nguyên vẹn, đầy đủ chữ ký, được phát hành dưới 10 năm, còn hạn ít nhất 3 tháng kể từ ngày hết hạn của thị thực và còn ít nhất hai trang trống để dán nhãn thị thực.
Bản sao hộ chiếu thì copy những trang có chữ/ảnh, thông tin nhận dạng và tất cả các trang có chứa thị thực hoặc được đóng dấu xuất nhập cảnh.
Hộ khẩu và bản công chứng (Tiếng Anh)
Như đã nói ở trên, Hà Nội tiếp nhận hồ sơ cả nước còn TP.HCM chỉ tiếp nhận hồ sơ có hộ khẩu từ Huế đổ vào. Nếu bạn có hộ khẩu ngoài Bắc mà làm việc trong Nam thì chỉ cần nộp thêm hộ khẩu tạm trú dài hạn KT3 và bản công chứng, nộp tại TP. HCM luôn mà không cần phải ra Hà Nội đâu. Hộ khẩu và bản công chứng thì yêu cầu dịch thuật ra Tiếng Anh.
Hành trình du lịch chi tiết
Lịch trình càng chi tiết càng tốt nhé, nêu tất cả các hoạt động, ăn ở, di chuyển, chi phí ra, hoặc có thêm xác nhận từ công ty du lịch nữa càng hoàn hảo. Thường thì nơi nộp visa là nơi mình ở lâu nhất nên là các bạn xin visa ở đâu thì cứ điền tên nước đó là nơi ở lâu nhất, còn trong chuyến đi ở đâu lâu nhất là do bạn nhé.
Vé máy bay
Bạn lên trang web của các hãng hàng không book chỗ rồi in ra nhé, lưu ý không thanh toán trước khi có thị thực, đề phòng visa trục trặc, chưa đi ngay được.
Giấy tờ chứng minh chỗ ở
Bạn có thể chọn đặt phòng khách sạn qua các website như Agoda.com hay Booking và nên chọn loại có thể Free cancel, vì khi có visa rồi thì có thể chỉnh sửa kế hoạch và book lại khách sạn cho phù hợp. Lưu ý là đặt phòng phải khớp với lịch trình đã lên, nếu đặt lệch sẽ không nộp được.
Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính
Sao kê ngân hàng 3 tháng gần nhất và sổ tiết kiệm trên 5000USD nhé.
Giấy tờ chứng minh công việc
– Nộp bản photo hợp đồng lao động bằng tiếng Anh và nhớ mang theo bản gốc đi để đối chiếu nhé.
– Bản lương 3 tháng gần nhất
– Giấy nghỉ phép đi du lịch từ phía công ty
Bảo hiểm du lịch (bắt buộc)
Bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm du lịch, có hiệu lực trong khối Schengen và chi trả cho bất kỳ khoản chi phí nào có thể phát sinh liên quan đến việc hồi hương vì lý do y tế, chăm sóc y tế khẩn cấp, điều trị khẩn cấp hoặc tử vong trong thời gian lưu trú (bảo hiểm có hạn mức tối thiểu 30000 EUR).
Bảo hiểm này phải cover toàn bộ số ngày du lịch dự kiến, có thể thừa nhưng không thể thiếu nhé.
Lệ phí
Ngoài 60€ lệ phí thì cần đóng thêm 26€ phí dịch vụ, tổng cộng là 86€, đóng bằng VND.
Bạn có thể làm hồ sơ qua đại lý cho nhanh hơn, khả năng đậu cũng cao hơn hoặc tự chuẩn bị để tiết kiệm chi phí.
Thời gian để xét duyệt visa trung bình là 15 ngày, có nhiều bạn mình biết còn sớm hơn cơ, nhưng cũng có thể lên đến 30 ngày nếu hồ sơ cần được xác minh thêm. Trong vài trường hợp đặc biệt, việc xác minh có thể kéo dài tới 2 tháng. Nếu bạn nào cần xin gấp thì nên nhờ đại lý du lịch xin. Có thể lấy visa trong 2 ngày.
Một vài lưu ý khi làm thủ tục xin visa:
– Nên làm visa sớm để có thể book máy bay, khách sạn sớm, càng gần ngày đi, chi phí càng cao.
– Hồ sơ minh bạch, bạn đừng nghĩ có thể qua mắt được họ, nếu nghi ngờ, họ sẽ có cách kiểm tra ra các hồ sơ của bạn, nếu thấy gian dối sẽ loại hồ sơ.
– Điều quan trọng nhất là phải chứng minh được việc đi và về rõ ràng, không có ý định ở lại thông qua việc mình có vé máy bay khứ hồi và có việc làm ổn định ở Việt Nam vì hiện nay tình trạng nhập cư trái phép ở châu Âu rất nóng nên họ quản lý rất chặt việc xuất cảnh sang nước họ.
Ngoài ra, nếu bạn muốn xin visa cho chuyến đi dài (1 – 3 tháng) và ra vào Châu Âu nhiều lần (Multiple Visa) đó là khi bạn làm thủ tục nộp hồ sơ, trong mục ra vào Châu Âu bạn nhớ chọn Single Entry trước. Tuỳ vào điều kiện hồ sơ, lãnh sự quán sẽ xem xét và cho bạn biết bạn có được cấp Multiple Visa hay không.
Khi đã nộp đầy đủ bạn chỉ cần ngồi chờ passport về tay. Nếu có nghi vấn hoặc cần thêm thông tin, Lãnh sự có thể yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ hoặc tham dự phỏng vấn. Trong trường hợp này, bạn yên tâm vì sẽ được email đầy đủ thông tin hướng dẫn.
Bạn cần nắm rõ thời gian, địa điểm phỏng vấn và nhớ là đến đúng giờ nhé, khi đến ăn mặc lịch sự, đầu tóc gọn gàng. Bạn cần chuẩn bị kỹ giấy tờ mà họ yêu cầu (cái này sẽ có cụ thể trong mail gửi bạn nhé), nếu run bạn nên chuẩn bị trước 1 số câu hỏi. Và quan trọng nhất là phải trung thực khi trả lời, không nên phóng đại kinh nghiệm nhất là khả năng tài chính của bạn, vì hầu hết thông tin này đã có hết trong hồ sơ của bạn, kèm theo cả các giấy tờ chứng thực. Nếu nói dối sẽ dễ dàng bị phát hiện và dĩ nhiên bạn tạch visa. Có nhiều trường hợp không nghe rõ câu hỏi, bạn nên yêu cầu nhân viên LSQ nhắc lại câu hỏi hoặc im lặng chứ không nên trả lời ngay.
Để thuyết phục nhân viên LSQ phỏng vấn cấp visa thì bạn phải chứng minh rằng bạn không có ý định lưu lại đất nước bạn muốn đến, hãy chứng minh sự trở về bằng những mối quan hệ ràng buộc như gia đình, công việc, là những yếu tố được quan tâm khi duyệt xét visa.