IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Làng gốm thanh hà ở Hội An
Làng gốm Thanh Hà nằm nép mình bên sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An khoảng chừng 3km về phía Tây. Đến nay, ngôi làng này đã có hơn 500 năm tuổi, vốn có nguồn gốc từ Thanh Hóa, sau đó tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng. Những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp của làng gốm Thanh Hà từng được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản Quốc gia”. Làng gốm Thanh Hà cùng với làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế và làng chiếu Cẩm Kim… tạo nên một hệ thống các làng nghề bao quanh khu phố cổ và gắn bó mật thiết với sự phát triển kinh tế thương mại của Hội An.
Khác với gốm của những nơi khác, gốm Thanh Hà vốn là gốm mộc, không phủ men. Các sản phẩm truyền thống của làng gốm Thanh Hà chủ yếu là chum, vại, nồi niêu, bình, lọ hay gạch gói để phục vụ đời sống của người dân. Sau khi Hội An suy thoái thì làng nghề này cũng bị ảnh hưởng và mai một. Thế nhưng, từ khi Hội An được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”, làng gốm Thanh Hà đã trở thành điểm du lịch thu hút mỗi khi đến Hội An. Để phục hồi, bảo tồn làng nghề, đồng thời phát triển du lịch để đảm bảo cuộc sống của các nghệ nhân, bên cạnh những sản phẩm truyền thống. Ngày nay, làng gốm Thanh Hà còn sản xuất các loại tượng mỹ nghệ, phù điêu, con giống và đồ trang trí.
Trải qua hàng thập kỷ, làng gốm Thanh Hà vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công với những phương tiện và kỹ thuật truyền thống. Các sản phẩm của làng gốm Thanh Hà được làm một cách tỉ mẩn, công phu, từ khâu làm đất, lên bàn chuốt hay nhào nặn trên bàn xoay. Đất sét được lấy từ huyện Điện Bàn, cách Thanh Hà khoảng 15km. Sau khi lấy đất sét về phải ủ để giữ độ ẩm. Tiếp theo, các nghệ nhân nơi đây sẽ nhồi, đánh cho đất chín. Để nhào được một 1m³ đất sét làm gốm phải mất tới 2 ngày 2 đêm. Những sản phẩm cầu kỳ, cần đất mịn thì còn phải qua công đoạn lọc đất để loại bỏ tạp chất. Sau đó, chuốt gốm chính là giai đoạn khó và đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo của người nghệ nhân. Tất cả đều dựa trên cảm giác và kinh nghiệm của người làm gốm chứ không có một khuôn thước nào. Gốm sau khi thành hình sẽ được đem phơi nắng một ngày rồi làm nguội để tạo ra được những hoa văn tự nhiên nhất. Cuối cùng, gốm sẽ được kiểm tra lại một lần nữa rồi đưa vào lò nung, canh củi lửa để tạo ra được gốm thành phẩm.
Ngày nay, ngoài phương thức sản xuất truyền thống, người dân ở làng gốm Thanh Hà còn sử dụng những phương thức sản xuất khác như là đổ khuôn hay điêu khắc để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đến tham quan làng gốm Thanh Hà, du khách không chỉ hiểu hơn về làng nghề lâu đời này, có cơ hội tìm hiểu các công đoạn để có thể làm ra được một sản phẩm gốm Thanh Hà mà còn có thể tự tay tạo nên những sản phẩm của riêng mình. Đặc biệt, kể từ khi Công viên Đất nung Thanh Hà (còn gọi là Công viên gốm Thanh Hà hay Bảo tàng gốm Thanh Hà) được đưa vào hoạt động, nơi đây được đã trở thành một điểm nhấn mỗi khi khách du lịch đến với Thanh Hà. Ngoài ra, hằng năm cứ đến mồng 7/7 âm lịch, dân làng Thanh Hà lại long trọng tổ chức Giỗ Tổ nghề với phần lễ rước kiệu Tổ và các trò chơi dân gian thú vị.
Làng gốm Thanh Hà
Địa chỉ: Phạm Phán, Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam
SĐT: 0235 3864 040
Giá vé: 35.000đ. Mỗi vé có giá trị trong vòng 24 giờ. Miễn lệ phí hướng dẫn cho đoàn từ 8 khách trở lên, liên hệ thuyết minh về làng gốm Thanh Hà tại nơi bán vé. Giá vé bao gồm:
Trung chuyển bằng xe điện
Xem các nghệ nhân chuốt gốm
Tham quan di tích tổ nghề gốm Miếu Nam Diêu
Tham quan di tích Đình Xuân Mỹ
Tham gia trổ tài chuốt gốm và nặn con thổi
Được tặng một sản phẩm con thổi bằng gốm.
Nguồn: Wanderlust Tips | Cinet