IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Miền Tây rực rỡ mùa hoa ô môi
Hoa ô môi ở miền Tây khiến người ta tò mò ngay từ cái tên gọi. Có nhiều lý giải về cái tên ô môi. Người thì bảo là vì khi ăn quả hái từ trên cây, môi sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu đen thẫm (đen trong tiếng Hán là ô). Có người thì cho rằng, do bên trong trái chứa nhiều… ô mà mỗi ô là một phần thịt của trái, nên gọi là ô môi. Những ngày đầu tháng 4, hoa ô môi đã bắt đầu nở rộ trên nhiều nẻo đường ở miền tây như An Giang, Đồng Tháp… Hoa ô môi còn được biết đến với cái tên “hoa anh đào miền Tây”. Cây ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, có thân gỗ cao 10 – 20 m, thích hợp với thổ nhưỡng miền Tây Nam Bộ nên được trồng làm cảnh và lấy bóng mát rất nhiều tại đây.
Trong nắng hạ đầu tháng 4, khi những cơn mưa trái mùa xuất hiện cũng là lúc cây ô môi trút lá và xuất hiện chùm hoa rực rỡ. Du khách nếu có dịp đến Tây Nam Bộ vào dịp này sẽ tiếc lắm nếu bỏ lỡ những bức hình chụp cùng hoa ô môi ở miền Tây. Mọc thành từng chùm, mang sắc hồng rực rỡ nhưng hoa ô môi lại mang đến cho người ta cảm giác nhẹ nhàng, giản dị, gần gũi tựa như tính cách của những người dân vùng sông nước miền Tây. Hoa thường mọc tự nhiên, nở rộ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 hàng năm. Đến miền Tây mùa này, nhất là ghé An Giang, bạn sẽ choáng ngợp trước những con đường quê ngập tràn sắc hoa ô môi. Sắc hồng rợp trời của hoa làm dịu đi cái nắng chói chang, mang đến cho người ta cảm giác dễ chịu như vừa lạc lối đến chốn bình yên, thơ mộng. Những con đường nơi đây có bạt ngàn hoa ô môi ngợp sắc hồng, rực rỡ đến nỗi tưởng chừng chỉ có hoa mà không có lá…Vì vậy người ta nói đến đây cũng có khi quên lối về là vì vậy.
Hoa ô môi ở miền Tây nói chung và tại An Giang nói riêng chủ yếu là những cây mọc hoàn toàn tự nhiên, không có sự can thiệp của con người. Trước đây, ở Long Xuyên, An Giang còn có địa danh phà Ô Môi, xưa kia là khu vực có rất nhiều cây ô môi. Thế nhưng ngày nay nơi đó đã không còn loài cây này nữa. Tuy vậy, ở nơi khác cây ô môi vẫn còn rất nhiều, nhất là ở xã Vĩnh Trạch. Có thể gọi nơi đây là “đường hoa” khi được tận mắt ngắm nhìn những con đường quê nhỏ bé được dệt một màu đỏ hồng ô môi. Tới đây, bạn sẽ gặp rất nhiều nhóm bạn trẻ đang chụp lại những bức ảnh “sống ảo” độc đáo với loài hoa này. Không chỉ ngắm nhìn, chụp ảnh cùng hoa ô môi, khách du lịch tới đây còn có cơ hội thưởng thức những món ăn độc đáo từ loài cây này. Theo đó, sau khi nở hoa gần một năm, trái ô môi mới bắt đầu khô. Trái ô môi dài, thô trông như những chiếc gậy đen lớn cỡ bằng cổ tay trẻ con. Ô môi khô khi ăn có vị ngòn ngọt, cay nồng, hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được.
Quả ô môi sau khi ăn phần thịt, người ta giữ lại hạt để nấu chè. Nếu có cơ hội thưởng thức chè ô môi, khách phương xa hẳn sẽ khó quên hương vị đặc biệt của món chè với cái tên này cùng nước dừa xiêm và đường thốt nốt của người bản xứ. Không gì thi vị bằng, khi vừa nhâm nhi bát chè, vừa được nghe bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu về loài hoa ô môi ở miền Tây Nam bộ này: Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ… Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng mong ai!… Đối với nhiều người miền Tây, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở đây còn có kỷ niệm đặc biệt với cây ô môi. Đó có thể là một tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên khi hái bông ô môi, trái ô môi trong trò chơi bán hàng, diễn kịch, rồi cùng nhau ăn quả ô môi rồi lại đem hạt về cho bà, cho mẹ nấu chè. Bình dịm dân dã nhưng cảnh và người miền Tây vẫn cuốn hút người phương xa đến lạ.
Nguồn: 24H