Một người Mỹ nói Trung Quốc không thể xây đường sắt đến Tây Tạng: 23 năm sau kỳ tích xuất hiện, đường sắt Thanh Tạng xác lập 9 kỷ lục thế giới.
Opéra Garnier Paris – Nhà hát của tình yêu
Nhà hát Opéra Garnier là một huyền thoại, không chỉ của Paris nước Pháp mà còn cả thế giới. Không chỉ nhờ thiết kế truyền cảm hứng, mà còn bởi câu chuyện ngôn tình mùi mẫn xoay quanh nó. Một buổi tối năm 1858, Hoàng đế Charles Louis Napoléon Bonaparte (Napoléon III) và Hoàng hậu Eugénie de Montijo trên đường đến Nhà hát Opera tọa lạc ở Rue le Peletier, họ bỗng gặp một vụ ám sát. Buổi tối định mệnh ấy đã đưa đến cho Hoàng đế Napoléon III một quyết định nhanh chóng: Một nhà hát mới, nơi gần cung điện của nhà vua, để ông không phải “vắt chân lên cổ chạy” như một kẻ ăn trộm để đến với nhà hát opera yêu dấu của mình.
Nguyên nhân ra đời chẳng có vẻ gì lãng mạn như người ta vẫn truyền tai nhau rằng Opéra Garnier (hay Palais Garnier) là món quà của Hoàng đế tặng cho người vợ yêu quý của mình. Có lẽ là do Opéra Garnier được ngắm từ phòng của bà trong cung điện Louvre nhìn ra suốt con đường Av de l’Opéra. Hay chuyện con đường không một bóng cây là tầm nhìn của bà ra Nhà hát thành phố không bị che khuất cũng đủ khiến dân tình tưởng tượng về tình yêu của một vị hoàng đế. Tất nhiên đời thực không phải giống như ngôn tình. Quyết định của ông không nằm ngoài dự đoán. Nó tương ứng với phong trào mà Hoàng đế phát động: công cuộc tái thiết Paris vĩ đại của Đế quốc Pháp lần thứ hai. Dưới sự chỉ đạo chủ yếu của Nam tước Georges-Eugène Haussmann, hàng trăm tòa nhà mới và sang trọng đã được xây dựng. Những tòa nhà lớn được đặt một cách chiến lược tại các đường giao nhau để thể hiện cho trọn vẹn sự lộng lẫy của chúng.
Và để tôi dập những mộng mơ của bạn về chuyện tình của Hoàng đế thêm một lần nữa. Một trong những người phải chịu trách nhiệm cho công trình nhà hát Opéra Garnier là tân Bộ trưởng Nhà nước khi ấy, Alexandre Colonna-Walewski. Vợ của ông chính là người tình của Hoàng đế. Nhờ sự “giao thiệp” này mà ông mới có cơ hội ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng! Bản thân ông cũng bị đồn là con ngoài giá thú của vua Napoleon I. Dĩ nhiên, một kế hoạch tầm cỡ như vậy không thể chỉ trông chờ vào đám quý tộc. Họ có đủ phẩm vị để thưởng thức, chứ không phải là người lên các ý tưởng. Thêm nữa, Alexandre Colonna-Walewski, với địa vị vô cùng tế nhị, rất ngại đụng độ với Hoàng hậu và phải chia sẻ “hoa hồng” với người của bà. Năm 1860, người ta đã tổ chức một cuộc thi để tuyển ra nhà thiết kế cho Nhà hát Opera Paris mới. Người chiến thắng là Charles Garnier, một kiến trúc sư trẻ vô danh khi ấy. Vào năm 1861, với ngân sách ban đầu 15 triệu Franc (hơn 2,3 triệu USD ngày nay), công cuộc xây dựng bắt đầu.
Công trình hoành tráng nào cũng có những vấn đề khó chịu và tốn kém. Khó khăn đầu tiên là hồ ngầm. Đây không phải hồ cá koi lộ thiên dịu dàng như chúng ta biết ngày nay. Mà là một hồ lớn, dòng chảy mạnh và xử lý chẳng hề dễ dàng. Hồ phải khô ráo nhất có thể. Và thế là, suốt 8 tháng, cả ngày lẫn đêm, người ta chỉ có một việc là hì hục tát nước. Thậm chí đến bây giờ, người ta vẫn phải theo dõi mực nước hồ thường xuyên để an toàn. Chỉ nguyên việc tát nước đã khổ công như vậy, việc thi công kéo dài là không thể tránh khỏi. Mà như người xưa vẫn nói, đi đêm có ngày gặp mà, cái gì làm càng lâu càng dài càng dai thì… càng dại. Cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871) nổ ra khiến việc xây dựng bị trì hoãn. Cuối cùng, dự án đã hoàn thành vào năm 1875.
Bất kể nguồn gốc ra đời Opéra Garnier như thế nào, sáng tạo của Garnier thể hiện rõ ngay cái tên của nhà hát. Khi Hoàng hậu hỏi nhà hát sẽ mang phong cách Louis XIV, Louis XV hay Louis XVI, Garnier trả lời đó sẽ là phong cách Napoleon III. Và ông không hề khoác lác. Đá cẩm thạch và tranh khảm mosaic vốn không phổ biến ở Paris nước Pháp trước thời Garnier. Ông thường đi du lịch khắp châu Âu để tìm kiếm vật liệu, thường yêu cầu mở lại những mỏ đá rất cũ. Ngoài ra, ông còn sử dụng các kỹ thuật nhằm cắt giảm chi phí, chẳng hạn như mạ điện (electroplating) các bức tường bằng đồng thay vì sử dụng vàng nguyên khối. Ông cũng phát hiện ra rằng một số bề mặt có thể bắt sáng chỉ cần dát hoặc sơn vàng.
Bên ngoài, Opéra Garnier được thiết kế theo phong cách Baroque. Garnier cải thiện tầm nhìn bằng cách đặt các cột hỗ trợ được ghép nối với nhau, thay vì xếp thành vòng tròn. Đã là nhà hát của Hoàng đế thì dĩ nhiên, bên trong là một thế giới xa hoa và độc đáo. Tuyệt vời đến nỗi chẳng thiếu các công trình “có tên có tuổi” cũng bắt chước ít nhiều. Thậm chí, nếu đã đến Opéra Garnier, bạn sẽ thấy những tòa nhà trang trí công phu ít nhiều đều có bóng dáng của nhà hát Paris này. Đáng chú ý nhất là Tòa nhà Thư viện Quốc hội Thomas (Washington D.C., Mỹ), Nhà hát lớn Quốc gia Ukraine (Kiev, Ukraine), Nhà hát Sân khấu Thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Nhà hát Amazon (Manaus, Brazil) hoặc Nhà hát lớn Hà Nội (Việt Nam).
Quen là thế, nhưng trần nhà sơn màu, cột đá cẩm thạch, vô số đèn chùm với đủ kích cỡ, tượng mạ vàng và cầu thang cao 30m vẫn khiến bạn phải nín thở. Đó chắc chắn là nơi bạn muốn lạc lối trong đó. Garnier đã kết hợp nghệ thuật trang nhã với những nguyên tắc thiết kế mà chúng ta đã quá quen thuộc. Điều đó thể hiện rõ ngay trong những bức tượng, chẳng hạn như Apollo’s Lyre (Đàn lia của thần Apollo) nằm trên đỉnh mái. Bất kể bạn nhìn vào đâu, bạn cũng không thể ngừng trầm trồ thán phục. Ấy thế nhưng không phải ai cũng phục. Trong khi nhiều người tôn vinh Opéra Garnier là một kiệt tác thượng thừa, kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier lại mô tả nó là sản phẩm của “nghệ thuật dối trá”, và cho rằng “phong cách Garnier là bùa mê trang trí trên những ngôi mộ”. Dù sao cũng chẳng quan trọng, với dân du lịch, có một địa điểm đẹp hút hồn và check-in siêu chảnh là quá đủ. Nguồn: alongwalker