Một người Mỹ nói Trung Quốc không thể xây đường sắt đến Tây Tạng: 23 năm sau kỳ tích xuất hiện, đường sắt Thanh Tạng xác lập 9 kỷ lục thế giới.
Quảng Bình xứng danh Vương quốc hang động
“Vương quốc hang động” là cái tên được dùng để chỉ vùng đất Phong Nha ở Quảng Bình khoảng đầu những năm 2010. Năm 2014, nó dần trở nên phổ biến và được nhắc đến nhiều hơn khi những hình ảnh của hang Sơn Đoòng phủ khắp các trang báo nổi tiếng như National Geographic, CNN, Huffington Post, Bussiness Insider… Đến nay, nhiều tờ báo, trang du lịch nổi tiếng thế giới như Channel News Asia, Culture Trip, Bright Side… đã dùng cách ví von này để gọi Phong Nha và Quảng Bình. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức tổng số hang động ở Quảng Bình, nhưng đây được cho là nơi tập trung nhiều hang động nhất cả nước.
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có hơn 350 hang động được phát hiện trong 25 năm qua. Trong đó, hơn 30 hang động được đưa vào khai thác du lịch. Ngoài Sơn Đoòng, một số cái tên nổi tiếng khác còn có hang Én, hang Pygmy, lần lượt lớn thứ ba, tư thế giới. Cách Phong Nha chừng 70 km, Tú Làn cũng là hệ thống hơn 20 hang động đang dần được khám phá với nhiều nhũ đá, kiến tạo thiên nhiên độc đáo.
Sơn Đoòng
Có niên đại khoảng 3 triệu năm tuổi, Sơn Đoòng được công nhận là hang động lớn nhất thế giới vào năm 2009. Với chiều dài gần 9km, tại một số vị trí trần hang cao đến 200 m, rộng 160 m, hang làm choáng ngợp những ai bước chân vào thám hiểm. Hang có hai giếng trời tự nhiên và cũng chính là nơi duy nhất có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Điều này giải thích cho sự phát triển mạnh mẽ của cả một khu rừng nguyên sinh với những loài cây nhiệt đới cao lớn như dừa, cọ…
Hang sở hữu một hệ thống sông ngầm lớn, hình thành từ hai con sông Khe Ry và Rào Thương giao thoa. Kích thước khổng lồ của hang giúp cho các đám mây hình thành ngay trong hang từ các mạch sông ngầm. Các đám mây này lớn dần, phủ khắp các khoang lớn nhất của hang động, tạo nên cảnh tượng mờ ảo, ngoạn mục cho du khách chiêm ngưỡng. Thử thách cuối cùng của hành trình thám hiểm Sơn Đoòng chính là chinh phục bức tường đá vôi cao 90 m, còn gọi là “Bức Tường Việt Nam”.
Hang Én
Lớn thứ ba trên thế giới, Hang Én là cửa ngõ đưa du khách thám hiểm Sơn Đoòng nhanh hơn. Hang trải dài hơn 2 km xuyên qua khối đá vôi khổng lồ ngay trong vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Có ba lối vào Hang Én, trong đó cửa hang lớn nhất và nổi tiếng nhất có chiều cao 120 m và chiều rộng 140 m.
Những khu rừng nguyên sinh hoang sơ, rậm rạp bao quanh Hang Én tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ mà phải tận mắt chứng kiến bạn mới tin là nó có thật. Trong một số khu vực khác của Hang Én, vòm hang cao lên đến 100 m và chiều rộng hơn 180 m, lớn đến mức ánh sáng cực mạnh từ các đèn pha chuyên nghiệp cũng không thể chạm đến vách hang.
Hang Pygmy
Đây là hang lớn thứ 4 thế giới, do Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố. Hang nằm sâu trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch. Cửa vào cao và rộng khoảng 100 m, dài 845 m. Vào ban ngày, ánh sáng có thể xuyên qua hang, tạo điều kiện để cây dương xỉ mọc lên xanh tốt. Cửa ra của hang cũng chính là nơi cắm trại ngủ lại vào đêm thứ 2, trong hành trình khám phá ba ngày hai đêm.
Hang Va – Hang Nước Nứt
Hang Va được tìm thấy lần đầu vào năm 2012, kết nối với Hang Nước Nứt, một hang động ướt dài hơn 2 km. Những tạo hình thạch nhũ nón tháp chính là một trong những điều đặc biệt nhất của Hang Va. Không ai chắc chắn rằng những nón tháp này đã hình thành như thế nào trước đây. Hang Va cũng sở hữu cá trắng mù và tôm càng xanh nước ngọt mù, hoàn toàn thích nghi để sống trong một môi trường không có ánh sáng. Nhiều con dơi nhỏ cũng làm tổ trong hang này.
Động Thiên Đường
Nằm ở độ cao 360 m so với mực nước biển, động Thiên Đường có nhiệt độ chênh lệch với bên ngoài từ 9 đến 10 độ C. Lối vào nhỏ ẩn kín sau những vách đá và tán cây rừng. Lòng động được chia làm nhiều khoang lớn, nơi rộng nhất hơn 200 m và cao trên 100 m. Các nhũ đá trong động có những hình ảnh giống biểu tượng văn hóa các vùng miền: Phật Bà, Tiên Ông, nhà sàn và ruộng bậc thang như vùng đồi núi Tây Bắc. Hệ thống nhũ của Động Thiên Đường phong phú và đa sắc màu, vẫn tiếp tục được kiến tạo nhờ những giọt nước nhỏ xuống từ trần hang.
Một cây cầu gỗ rộng 3,5 m và dài hơn 1.000 m được dựng để phục vụ du khách tham quan. Con đường này hiện giữ kỷ lục quốc gia là “con đường gỗ dài nhất”. Với khách ưa mạo hiểm có thể trekking thêm 7 km trong lòng động, chèo thuyền vượt qua con suối ngầm dài 60-100 m, lội qua những khe suối mát lạnh để đến với Giếng Trời ngắm những tia nắng huyền ảo xuyên qua.
Hang Tú Làn
Hang Tú Làn được phát hiện năm 2010, với hai lối vào khô và ướt, dài 2,2 km. Điểm được yêu thích khi chinh phục hang này là du khách có thể băng qua các thung lũng tuyệt đẹp, mà nhiều đoàn làm phim đã chọn làm bối cảnh. Hang Tú Làn thường được kết hợp để chinh phục cùng các hang khác nằm trong hệ thống gồm hang Chuột, Hung Ton, Ken, Kim… Trong đó hang Ken có cấu tạo gồm một hang ướt và một hang khô bên cạnh, dài 3,7 km và là hang động dài nhất của hệ thống Tú Làn.
Điểm đặc biệt của tuyến du lịch khám phá hang Tú Làn đó là du khách được tham gia hàng loạt hoạt động băng rừng, lội suối, khám phá và bơi trong hệ thống sông ngầm trong hang, thưởng thức khung cảnh núi rừng thơ mộng ở bãi cắm trại trong khu vực Tú Làn. Khu vực Tú Làn được chọn là một trong các bối cảnh của phim bom tấn Kong: Skull Island (2017) của Hollywood, và gần đây nhất là bộ phim Việt “Người Bất Tử” (2018), dự kiến ra mắt mùa thu 2018.
Hang Tiên
Hang Tiên là hang khô lớn nhất của hệ thống Tú Làn, được phát hiện lần đầu vào năm 1994. Hang Tiên có độ dài 2,5 km, với lối ra là khu rừng nguyên sinh. Sau đó, Hang Tiên 2 được khám phá và lập bản đồ vào năm 2015 và 2016 bởi các chuyên gia hang động người Anh. Trong suốt mùa hè, Hang Tiên là một hang khô nhưng vào mùa mưa, một con sông lớn xuất hiện trong hang. Mạch nước ngầm từ trong hang Tú Làn phải chảy quanh từ sâu trong lòng đất hơn 2 km để đến được Hang Tiên và hồ ngọc tự nhiên trong hang. Hang Tiên chứa đựng vô số khối thạch nhũ độc đáo, các hành lang hang động rộng lớn, các tầng đá vôi xếp lớp chạm khắc thành các vân trên khắp các bức tường đá, và cả một quần thể loài dơi sống trên tầng cao của hang.
Nguồn: VnExpress.net