Top món đặc sản Hà Giang ngon nhất định phải thử - Fantasea Travel
  • English
  • Top món đặc sản Hà Giang ngon nhất định phải thử

    Ẩm thực Hà Giang phong phú và đa dạng, với nhiều món ăn ngon đặc sắc. Đa phần đặc sản Hà Giang rất mộc mạc, mang đậm hương vị núi rừng, luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người lữ khách. Hãy cùng điểm qua 5 món đặc sản Hà Giang nhất định phải thử nhé!

     

    CHÁO ẤU TẨU

    Người ta hay đùa nhau rằng, đến Hà Giang mà chưa thử qua món cháo ấu tẩu thì xem như là không biết gì về đặc sản ở Hà Giang. Củ ấu tẩu thường mọc ở vùng cao, khí hậu lạnh, ngoài được dùng làm món ăn rất ngon, còn có thể dùng làm thuốc rất quý. Từ xa xưa, người Mông dùng củ ấu tẩu ngâm rượu xoa bóp để trị đau nhức hay trúng gió, hoặc nấu cháo giải cảm. Sau này người Kinh biến tấu thêm chút gia vị, thịt, trứng khiến món ăn thêm ngon. Trời lạnh, thưởng thức tô cháo ấu tẩu nóng hổi, thơm thơm, vị cháo hơi đắng đắng nhưng dễ chịu, ấu tẩu bùi bùi, hòa với vị béo của trứng và chân giò… ăn quả thật rất ngon. Để tăng thêm phần đậm đà, có người nêm chút mắm ớt, bột canh, măng chua đặc sản vùng cao. Nhâm nhi thêm ly rượu ngô đặc sản Hà Giang nữa thì còn gì bằng. Lưu ý: những quán cháo ấu tẩu thường chỉ mở cửa sau 7h tối.

     

    Cháo ấu tẩu

    LỢN CẮP NÁCH

    Lợn cắp nách là một trong những món đặc sản ở Hà Giang, đây là giống lợn đặc biệt chỉ có ở vùng núi phía Bắc. Lợn cắp nách thực chất là lai giữa lợn rừng và lợn Mường. Vì kích thước và khối lượng của loại lợn này nhỏ, nên người dân có thể cho vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách cho tiện đi lại, nên được gọi là lợn cắp nách. Những món ăn đặc sản làm từ loại thịt lợn này đều rất thơm ngon. Thịt ngọt, thơm, chắc, nhiều nạc, da giòn sần sật, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau kèm gia vị đặc trưng của người bản xứ. Lợn cắp nách có nhiều cách chế biến khác nhau như thịt ba chỉ, thịt mông dùng để hấp, thịt vai trở lên dùng làm món nướng, thịt thủ, nầm bụng để nấu giả cầy, xương ninh làm món canh, món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Ngon nhất là món lợn cắp nách quay. Miếng thịt lợn nóng hôi hổi nghi ngút khói, bên trong lớp bì giòn tan là một lớp mỡ mỏng tiếp đến là thịt nạc mềm và ngọt.

     

    THẮNG CỐ

    Thắng cố là món đặc sản ở Hà Giang, “kinh dị” phải thử của người miền núi phía Bắc. Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mông, có nguồn gốc từ vùng núi Hà Giang. Thắng cố được nấu khá đơn giản với 12 thứ gia vị truyền thống như thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng… và nhiều loại gia vị khác, và cây thắng cố chính là gia vị cuối cùng. Thịt và nội tạng con ngựa được rửa sạch, ướp với gia vị, sau đó thả vào nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết và 12 loại gia vị trên, đun sôi, rồi cứ thế ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ cho thấm. Có thể ăn kèm một chút ớt, tiêu hoặc muối cho đậm đà. Thắng cố có mùi thơm, giòn giòn, quyện cay nồng mùi của các vị rau như cải mèo, cải ngồng… chấm với loại nước chấm đặc biệt từ ớt Mường Khương. Món thắng cố nguyên bản của người dân tộc trong các phiên chợ thường hơi khó ăn, còn trong nhà hàng đã cải biên rất nhiều để phù hợp khẩu vị du khách.

     

    thang co

    XÔI NGŨ SẮC

    Đây là món đặc sản ở Hà Giang mang đậm nét văn hóa vùng cao, thường được dùng trong trong những dịp lễ truyền thống của người dân tộc Tày. Xôi gồm 5 màu khác nhau: đỏ, xanh, trắng, tím, vàng tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Với hình thức bắt mắt, độ thơm dẻo đặc biệt khiến xôi ngũ sắc trở thành món ăn đặc trưng cho người Tày ở Hà Giang. Chắc chắn, khi đến thăm Hà Giang, du khách khó lòng bỏ qua món xôi đặc biệt này.

     

    THỊT GÁC BẾP

    Thịt trâu, lợn gác bếp thường được làm từ những thớ thịt thái dọc dài, từng miếng thịt trâu, thịt lợn được xiên vào những que to rồi treo lên gác bếp. Trước khi mang gác bếp, thịt được tẩm các gia vị như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén. Thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi có dịp đến Hà Giang.

     

    CHÈ SHAN TUYẾT

    Những cây chè Shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan tuyết – đặc sản Hà Giang. Đây là nguồn nguyên liệu sạch vì khai thác từ tự nhiên. Giữa núi rừng, ở bậc cửa nhà người đồng bào thưởng trà Shan tuyết là mong muốn trải nghiệm của rất nhiều người. Người ta bảo pha trà Shan tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì mới cho ra đúng vị đậm đà của loài cây quý. Chén trà mới pha bốc khói nghi ngút giữ ấm lòng người bằng hương thơm thanh và màu tươi ngon. Nhấp môi sẽ thấy chè chan chát nhẹ nhưng lại ngọt hậu nồng nàn.

     

    Chè San Tuyết3

    THỊT CHUỘT LA CHÍ

    Người dân La Chí coi thịt chuột là loại thực phẩm thường xuyên, hằng ngày. Theo lời kể, mỗi mùa lúa chín đàn ông trong bản kéo nhau đi săn chuột khắp huyện, hết mùa gặt họ lại vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít. Họ có thể chế biến thịt chuột thành vô vàn món ăn như nướng, xào, treo gác bếp… Đến bản của người La Chí thế nào cũng được thử qua món thịt chuột nướng và treo gác bếp trứ danh. Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên đem thui rơm sau đó mới mổ bụng, làm sạch nội tạng. Tiếp đến, xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác vào. Như vậy dù có nướng hay treo bếp, thịt chuột vẫn giữ được vị ngọt nguyên sơ và cũng đậm đà hơn. Thịt chuột nướng ăn ngay thơm lừng, dai dai, ngọt mà không bị khô. Còn thịt treo gác bếp sau một thời gian sẽ quắt lại, cứng như củi. Nhưng có thể vùi tro nóng, dùng chày đập và chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hay ngâm nước sôi cho nở ra, rồi ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Cùng hấp dẫn nhưng vị thịt chuột ở đây khác hẳn thịt chuột miền Tây.

     

    BÁNH CUỐN TRỨNG

    Bánh cuốn trứng là món ăn đặc sản mỗi sáng của du khách khi đến Hà Giang. Bánh cuốn ở đây khi được tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh trắng ngần ấy gói lại. Khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng thơm ngon ở trong. Bát nước dùng ăn cùng bánh cuốn trứng còn có ít hành và 2 chiếc giò trông rất ngon.

     

    Bánh cuốn trứng lạng sơn

    PHỞ CHUA HÀ GIANG

    Phở chua Hà Giang thực chất được lan sang Hà Giang từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “Lường Pàn” nghĩa là “Phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè.

     

    THẮNG DỀN

    Thắng dền được làm từ bột gạo nếp có nhân đỗ hoặc bánh chay. Những viên bánh nhỏ. Được nấu cùng với nước cốt dừa và gừng tạo hương vị béo ngậy mà không ngán.

     

    LẠP XƯỞNG

    Thay vì mua lạp xưởng làm sẵn hiện phổ biến khắp các chợ, người dân bản làng miền này lại thích tự làm từ a đến z. Cứ dịp Tết đến, xuân về, người ta nô nức chung nhau mổ lợn để chuẩn bị cỗ. Trong đó, không thể thiếu món lạp xưởng. Thịt lợn vai được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, nước gừng và đặc biệt là quả mắc mật khô xay nhỏ. Tiếp đó, dồn thịt vào lòng non, buộc lại thành khúc và thỉnh thoảng châm kim để khí thoát ra giữ lạp xưởng nguyên khối ngon lành, không nứt vỡ. Lạp xưởng Hà Giang vừa giòn giòn, ngậy thịt lại mang mùi nắng quyện mùi khói bếp và mùi mắc mật tạo thành nét riêng khiến người ăn nhớ đậm ghi sâu.

     

    Lạp xưởng ngon

    CAM SÀNH BẮC QUANG

    Bắc Quang đến mùa cam là vàng rực màu mọng nước. Người đi qua thật chẳng thể làm ngơ trước những trái cam hấp dẫn đầy rẫy khắp đường khắp chợ. Đặc biệt, nếu từng ăn cam sành Bắc Quang thì càng không thể chối từ lời mời mọc. Bổ ra thì ruột mọng nước cắn một miếng là thấy ngọt lành, thơm mát sảng khoái vô cùng. Cam sành vì thế luôn là món quà được chọn khi khách ghé Hà Giang đúng mùa.

     

    CƠM LAM BẮC MÊ

    Nếu đến Hà Giang mà không được thưởng cơm lam Bắc Mê thì quả thật rất đáng tiếc. Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện, lại vừa được bảo quản tốt, không bị thiu. Cơm lam ngon dẻo, vị thơm quyện cùng mùi lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Ai thích thì có thể ăn cơm lam chay, không thì thông thường người ta hay ăn cùng muối lạc, muối vừng và thức ăn hấp dẫn khác như cá suối nướng, làm món ăn thơm và bùi hơn.

     

    BÁNH TAM GIÁC MẠCH

    Nêu đến Hà Giang đúng mùa tam giác mạch, bạn không chỉ được đắm chìm giữa thiên nhiên tươi đẹp mà còn có cơ hội được nếm cả một mùa tím hồng mê mải ấy với bánh tam giác mạch. Bánh được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mải say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía. Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn giá 10.000 đồng. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.

     

    bánh tam giác mạch

    RÊU NƯỚNG

    Rêu nướng cũng là món ăn hằng ngày của người Tày ở Hà Giang. Rêu này chính là rêu láy từ những khe đá, rêu tươi họ mang về làm sạch bóp cho hết nhớt sau đó nướng lên. Ăn rêu nướng rất lạ miệng mà ngon, đặc biệt là chúng còn rất bổ dưỡng.

     

    RƯỢU NGÔ

    Mỗi tỉnh thuộc khu vực miền núi dường như đều có riêng cho mình loại rượu chế biến theo cách đặc trưng. Rượu ngô Thanh Vân của bà con dân tộc Mông là một men say như thế. Nguyên liệu nấu rượu là ngô nương thường nhưng nước nguồn và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã cho ra sản phẩm nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ này. Tiết trời vùng cao giá lạnh, người lấp trong sương mà được tấp vào quán tránh rét nhấp môi chén rượu ngô thì ấm lòng biết mấy. Nguồn: TH

     

    Ngày cập nhật: 02/03/2019
    Ngày cập nhật: 02/03/2019

    Các tin mới cập nhật

    Thủ đô Seoul không chỉ là thành phố hiện đại, nổi tiếng ở Hàn Quốc mà còn trong khu vực châu Á cũng như thế giới. Ở Seoul, vẻ đẹp hiện đại và truyền thống đan xen. Ngoài ra, những khu phố nơi đây cũng mang những nét đặc thù riêng. Chính vì thế, chọn ở đâu còn tùy vào việc bạn mong muốn trải nghiệm gì ở thành phố này.