IHG sẽ quản lý vận hành voco Quảng Bình Resort với 68 biệt thự biển và Crowne Plaza Quảng Bình City Centre với quy mô 232 phòng.
Trải nghiệm du lịch Tà Năng – Phan Dũng
Từ lâu, Tà Năng – Phan Dũng đã được nhiều phượt thủ miền Nam rỉ tai nhau là “cung đường nhất định phải đi”. Tai nạn chết người đầy bất ngờ của hai bạn trẻ trong năm 2018 khi khám phá cung đường này, càng khiến nó ‘bất đắc dĩ’ nổi tiếng hơn. Sau biến cố này, không ít bạn trẻ đã hủy bỏ lịch trình du lịch Tà Năng – Phan Dũng sau đó. Nhưng, sự thật thế nào?
Sự thật là, sau 2 ngày 1 đêm du lịch Tà Năng – Phan Dũng, lăn lộn trên các con dốc đèo nhiều bạn trẻ đã rút ra kết luận: Cung đường này quả đẹp như lời đồn, nó an toàn với tất cả mọi người làm theo đúng hướng dẫn chung trước khi leo núi, nhưng quả thật, không dành cho những người có thể lực cộng ý chí yếu ớt. Cung Tà Năng – Phan Dũng bắt đầu từ xã Tà Năng – Lâm Đồng nơi có khá nhiều người dân tộc Churu sinh sống và kết thúc ở xã Phan Dũng – Bình Thuận nơi có nhiều người dân tộc Raglai sinh sống. Hiện có hai cung đường khác nhau để đi. Cung đầu tiên dài gần 40km, đi chủ yếu qua đồi núi, ít sông suối và đi mất 2 ngày 1 đêm, thường dành cho những người thiếu kinh nghiệm. Tại cung này, nhiều người thường chọn đi xe ôm 7km cuối cùng thay vì tiếp tục cuốc bộ, giá mỗi cuốc ‘Grab rừng’ gồm hai khách thường rơi vào khoảng 150.000 đồng. Cung thứ hai dài khoảng 55km qua thác Yavly và nhiều suối lớn nhỏ khác nhau, mất 3 ngày 2 đêm, dành riêng cho những phượt thủ giàu kinh nghiệm. Trong chặng cuối hành trình này, nếu bạn quá kiệt sức, có thể đi xe ôm trong 15km cuối đến Phan Dũng, giá cước vào khoảng 150.000 đồng/người.
Theo lời khuyên của người dân địa phương, khách nên hạn chế du lịch Tà Năng – Phan Dũng vào giữa mùa mưa. Mặc dù cung đầu tiên không đi qua nhiều sông suối, nhưng với việc nền đất thịt cộng đá sỏi nhỏ sẽ trở nên vô cùng trơn trượt khi ngấm nước; hoàn thành hơn 30km đường rừng trơn như bôi mỡ gần như là nhiệm vụ bất khả thi với hầu hết mọi người. Với những con dốc như thế này, nếu gặp trời mưa, sẽ phải đi bằng tứ chi mới không bị té. Ở cung thứ hai, khi mưa to kéo đến, nước ở các con suối lớn trong cung này lên rất nhanh và chảy xiết. Phượt thủ nữ chết trong năm nay do bị nước cuốn lúc qua suối trong mùa mưa. Ngược lại, khi đi vào mùa khô hoặc đầu/cuối mùa mưa và theo những hướng dẫn từ các chuyên gia, bạn không những an toàn mà còn ngắm được những cảnh sắc tuyệt đẹp trên cung đường này.
Do địa hình kéo dài từ cao nguyên xuống đồng bằng ven biển, rừng Tà Năng – Phan Dũng có ba loại hình chính. Bìa rừng Tà Năng có địa hình khá bằng phẳng với nhiều cây bụi thấp, đồng cỏ bạt ngàn và ruộng lúa xanh mướt, gợi nhớ tới những cung trekking ‘huyền thoại’ ở núi rừng Tây Bắc. Khi du khách thấy những tán thông xuất hiện đồng nghĩa với việc sắp bắt đầu ‘hành xác’ leo những con dốc cao vời vợi và trượt đèo sâu thăm thẳm. Có thể nói, với tất cả những người từng du lịch Tà Năng – Phan Dũng, thứ mà họ thấy sợ nhất là đoạn đường ở giữa, nơi có nhiều ngọn đồi cao từ 1.800m đến 800m so với mực nước biển bởi phải liên tục leo lên những con dốc dựng đứng, 75 – 80 độ; sau đó đổ đèo với độ dốc tương tự. Leo dốc mệt toàn thân còn xuống dốc thì khớp gối mỏi nhừ. Ở thời điểm gần cuối ngày đầu tiên, với những người tập luyện thường xuyên, họ cũng cảm thấy “đuối”, nên không cần nói đến những người không tập luyện. “Nếu không có ý chí chống đỡ, có lẽ sẽ khó đi nổi.
Cảnh sắc tuyệt đẹp ở thung lũng trước khu cắm trại, nơi nghỉ ngơi sau ngày dài đi bộ, nạp năng lượng chuẩn bị xuống đồng bằng. Lúc những đám thông trở nên thưa thớt báo hiệu sắp liên tục đổ đèo xuống đồng bằng ngắm những khu rừng savan cây bụi thấp lá rộng, lúc đất cát thay thế đất thịt là đã gần đến đích. Đi xe ôm 7km cuối cùng cũng là một trải nghiệm thú vị. Chúng ta sẽ được trải nghiệm cảm giác đua mô tô địa hình, khi những con xe của các bác tài đã được ‘độ’ gầm rú bay qua những ‘ổ voi’ trong rừng hay các con suối nhỏ đầy đá cuội lớn. Ngồi không khéo bạn có thể sẽ bị rớt khỏi xe bất cứ lúc nào. Ngoài cảnh sắc mỹ lệ, một trong những thứ ấn tượng khác khi du lịch Tà Năng – Phan Dũng là con người. Sau khi leo tới đỉnh đồi cao ngất ngưỡng, bạn sẽ thấy những người dân tộc Churu bán nước, với mức giá trung bình 35.000 đến 40.000 đồng một chai nước giải khát công nghiệp. Càng lên cao, giá càng đắt! Để lên được những đỉnh đổi chót vót đó, người địa phương thường mang xe máy đi độ và quấn xích vào bánh. Nhìn cách các anh bán nước hay porter lượn khắp đồi cao núi sâu chỉ bằng con xe máy kỳ khôi, ai cũng cảm thấy thán phục tự đáy lòng. “Thiên lý mã hành không” là đây!
Nguồn: Theleader