Hãy bắt đầu hành trình đến Edinburgh, thủ đô tuyệt đẹp của Scotland, nổi tiếng với lịch sử phong phú, cảnh quan hùng vĩ và đời sống văn hóa sôi động.
Bỏ túi những món ăn ngon nổi tiếng ở Cao Bằng
Khi đi du lịch Cao Bằng, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món đặc sản của vùng cao như hạt dẻ Trùng Khánh vừa to, vừa thơm ngon; lê Đông Khê có vị ngọt thanh và là loại lê ngon nhất ở Cao Bằng; mận Bảo Lạc; thịt lợn quay; vịt quay; rượu rắn; rượu tắc kè; rượu ong; bánh cuốn trứng. Cao Bằng còn là vùng đất của những loài thảo dược quý có tác dụng chữa bệnh như chè đắng, chè dây, mật ong thơm ngon mang đậm hương hoa rừng và có giá trị dinh dưỡng cao. Đến Cao Bằng, các bạn cũng đừng quên thưởng thức món phở chua đặc trưng, món lẩu cá ở ngã ba sông…Tất cả sẽ góp phần làm phong phú hơn nghệ thuật ẩm thực của du khách trong cuộc hành trình đi tìm những khám phá mới trên mảnh đất vùng cao.
NHỮNG MÓN ĂN NGON Ở CAO BẰNG
Bánh Coóng Phù: Coóng phù hay còn được gọi là bánh trôi, được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau. Hoàn toàn không có chất tạo màu tạo mùi hóa học.
Bánh Cuốn: Bánh cuốn không là món ăn xa lạ với người miền Bắc nhưng người dân Cao Bằng có cách ‘thưởng’ bánh rất riêng, độc đáo so với tất cả các vùng miền khác. Để chế biến được những chiếc bánh cuốn dẻo thơm, người ta cần đồ nghề là một chiếc nồi gang to, một chiếc khuôn hình tròn vừa với miệng nồi làm bằng cật tre già, bọc vải trắng thật căng và một thanh tre gọt mỏng để lấy bánh ra khỏi khuôn. Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người Hà Nội, Hà Nam chấm bánh vào nước mắm gia giảm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.
Bánh Áp Chao: Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Người Cao Bằng gọi đó là bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao. Nguyên liệu nào để làm nên bánh áp chao không quá cầu kì, chỉ bao gồm bột gạo nếp, bột gạo tẻ và nhân thịt vịt nhưng đó lại là một nét ẩm thực đặc trưng rất riêng của vùng Đông Bắc. Người ta cũng chọn đỗ tương Quảng Uyên hạt vừa phải, lòng vàng trộn cùng bột gạo để tạo ra hỗn hợp bột đặc sánh, đảm bảo độ mềm dẻo và thơm ngon. Sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu, người làm lấy một lượng bột vừa đủ, nhồi nhân vịt vào giữa, ép bánh lại rồi thả từ từ vào chảo dầu sôi, chao qua lại tới khi bánh chín vàng rộm hai mặt, tỏa hương thơm quyến rũ, vớt ra để ráo mỡ là có thể đem ra dùng nóng.
Bánh Trứng Kiến: Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng. Trứng kiến sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo phi với hành khô. Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn thêm. Sau khi nhào nặn cho bột thật dẻo và mịn, bột nếp sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân, to hình vuông cỡ bằng bàn tay, rồi ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.
Phở Chua: Phở chua là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì ngọt mà dẻo. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột cắt mỏng. Bí quyết tạo sức hấp dẫn cho phở chua nằm ở nước sốt. Phi thơm hành tỏi rồi lấy nước trong bụng con vịt quay pha một chút dấm, tỏi, đường, nước mắm, sau đó cho chút bột báng để cô sánh nồi lại. Khi thưởng thức trộn đều bát phở nhanh tay nhưng tránh làm nát bánh phở. Tất cả các hương vị hòa quyện vào nhau đánh thức cảm quan của người dùng. Phở chua là món ăn nguội nên rất được chuộng vào những ngày thời tiết mát dịu.
Vịt Quay 7 Vị: Được gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng đã dùng 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt. Sau khi quay xong thịt vịt được chặt nhỏ ra đĩa, da vàng màu mật, rộm cánh gián. Thịt ăn chắc và ngọt, mềm nhưng không bở, cũng không dai. Mỗi khi ăn người ta phải nhai thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt của mật ong với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt non đầu tháng. Bên trong từng miếng vịt quay là một mùi hương ngai ngái như mùi lá non, vị hơi đắng nhưng càng ăn càng ngọt thịt. Đó là do 7 thứ gia vị được lấy từ trong bụng vịt. Nhiều người từng được nếm qua đều đoán rằng trong các thứ gia vị ấy, có rất nhiều vị như là rễ, lá của cây được mang về từ trên rừng. Do đó, nhiều người muốn học được cách làm vịt quay Cao Bằng nhưng đều không thể có được mùi vị đặc trưng ấy.
Lợn Sữa Quay: Ở Cao Bằng thường chọn loại lợn địa phương từ 4 đến 6 kg để quay. Sau khi sơ chế xong dùng giấy bản thấm khô mình con lợn, (nếu rửa bằng nước thịt sẽ nhão, không săn, mất hết vị thơm ngon). Sau đó nhồi lá mác mật cùng các gia vị khác vào bụng con lợn rồi khâu lại, dùng cây tre xuyên từ mõm tới đuôi rồi quay trên bếp than hồng, vừa quay vừa dùng mật ong và các gia vị khác phết lên mình con lợn để cho giòn bì và khỏi nứt. Thịt quay ngon là thịt vừa chín tới, bì vàng rộm, giòn tan, mùi thơm quyến rũ. Nước dùng chấm thịt lợn quay được pha chế theo một công thức rất riêng biệt.
Bò Gác Bếp: Cao Bằng là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Có dịp đến vùng đất cao xa vời vợi, thưởng thức đặc sản nơi này, bạn đừng bỏ qua món thịt bò gác bếp. Bò ở Cao Bằng để cày bừa, kéo xe. Bò để thịt cũng nhiều. Trong đó, sấy khô là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo. Thịt bò dùng để sấy khô loại nào cũng ngon, không kén chọn. Nhưng ngon nhất vẫn là loại thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được xẻ ra thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Nhưng thường to chừng hai ba ngón tay, dài chừng gang tay là vừa nhất. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt cho gia vị ngấm đều. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.
Xôi Trám Cao Bằng: Lên Cao Bằng, ta sẽ gặp món xôi trám ở khắp nơi, từ nhà hàng sang trọng, tiệc cưới hỏi cho tới những bữa ăn ấm cúng dịp cuối tuần của các gia đình. Không giống như những loại xôi khác, xôi trám có vị thơm dịu dàng của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng. Vị bùi của trám bao lấy những hạt nếp dẻo mọng, ăn hoài không ngấy và đặc biệt không có cảm giác bị nóng cổ dù ăn rất nhiều.
Quả Mác Mật: Mác mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng, hiểu nôm na là quả ngọt. Cây chủ yếu mọc ở chân núi đá vôi, một số ít trên sườn núi đá và vườn đồi do người dân đem hạt và cây con về trồng; được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Hoà An, Thông Nông. Mác mật là một thứ gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn đặc trưng miền núi, như: Vịt quay, lợn quay… Vào mùa mác mật, các bà nội trợ ai cũng mua mác mật về chế biến các món ăn: cá kho, thịt kho, vịt quay, ninh chân giò, canh thịt băm, măng xào mác mật… Mùi vị thanh tao của quả mác mật đã khử hết mùi tanh của cá, mùi hoi của vịt, giảm bớt mỡ ngấy của chân giò…, tạo nên những món ăn thơm phức, tinh tế và hấp dẫn.
Cá Trầm Hương: Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm. Món ngon nhất từ loài cá trầm hương là nướng, vì giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người sành ăn cũng phải trầm trồ. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng. Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.
Cá Chiên Sông Gâm: Cao Bằng còn một đặc sản thuộc loại nổi tiếng, đó là con cá chiên sông Gâm. Loại cá lăng màu đen này vốn được một ông chủ quán chả cá Lã Vọng đánh giá là ngon nhất để làm chả cá. Lòng cá được người sành ăn cho là thứ ngon nhất trên đời. Cá chiên có con đến vài chục kg, là loại khó bắt vì chuyên sống trong hang ngầm dưới sông. Người đi câu thường đóng cả lán trại thường xuyên để đợi cá, đến khi câu được con nào là có người đến tận chỗ mua.
Rau Dạ Hiến: Rau dạ hiến hay còn gọi là rau bồ khai, tiếng Tày – Nùng gọi là Phắc Diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa bám trên các cây gỗ để đón ánh sáng mặt trời. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng rất hiếm nơi có. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng hai đến tháng bảy âm lịch, nếu như có ai vào rừng hái được một nắm rau dạ hiến là cảm thấy rất quý. Dạ hiến trở thành một thứ rau đặc sản Cao Bằng. Vào dịp mùa xuân và mùa hè, ở những vùng thị xã cũng như ở các nơi khác, hầu như không có bữa tiệc nào là không có món rau dạ hiến được xào với thịt bò, lòng lợn, lòng gà. Quả thực đây là một món ăn rất ngon dường như chỉ có ở Cao Bằng. Món rau rừng này có hương vị rất lạ lùng, không giống bất kỳ một loại rau nào khác bởi hương vị đặc biệt quyến rũ khó quên.
ĐẶC SẢN CAO BẰNG LÀM QUÀ
Miến Dong Phia Đén: Miến dong Phia Đén còn được gọi là miến dong Cao Bằng hay miến dong Nguyên Bình, vì miến được làm tại xóm Phía Đen, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Sợi miến to, không bóng như các loại miến thông thường. Nhưng lại mê hoặc thực khách bởi mùi thơm ngọt của miến dong nguyên chất. Xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là vùng đất được trời ban cho nền khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, đất đai màu mỡ phù hợp cho sự tăng trưởng tốt của các loại cây như ngô, sắn và đặc biệt là củ dong riềng đỏ. Nên củ dong riềng đỏ ở đây luôn to và có mùi thơm đặt trưng nhất. Miến dong Phia Đén được làm 100% từ củ dong riềng đỏ được trồng trên các sườn núi huyện Nguyên Bình theo phương thức truyền thống, phơi phên nứa, không sử dụng chất tẩy, chất tạo màu, bột nở hay các hóa chất khác. Khi nấu sợi miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát, dù nấu lại đến lần thứ 2 sợi miến vẫn dai, không bị dính, nát như các loại miến khác.
Lạp Xưởng Hun Khói: Lạp sườn vùng tùy vùng sẽ được chế biến và nêm nếm gia vị có điểm khác biệt. Lạp sườn ở Cao Bằng to hơn và được chế biến cầu kỳ hơn vùng đồng bằng. Lòng non được rửa thật sạch bằng rượu trắng. Nhân làm lạp xưởng là thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, những phần ngon của thịt lợn mán đen. Thịt được băm nhỏ, tẩm ướp với gia vị, hành băm phi thơm, đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén cùng chút rượu tạo mùi thơm khác biệt. Nhồi nhân thật chặt vào ruột, sao cho miếng lạp xưởng tròn đều và căng mượt. Nhân được nhồi căng, đem phơi dưới nắng khoảng 3 ngày rồi treo lên gác bếp hoặc hun khói với bã mía. Hơi ấm của lửa sẽ làm lạp xường se lại, săn chắc, lại càng thơm đậm đà với mùi ngọt thoảng của bã mía. Lạp sườn được nắng, được hơi lửa, cứ ánh lên màu đỏ hồng của thịt nạc xen những đường vân trắng ngà của thịt mỡ trông thật hấp dẫn
Bánh Khảo Thông Huề: Bánh khảo có lẽ là một thứ lương khô của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Bánh khảo thường được làm vào dịp Tết. Có thể để lâu không mốc, thiu, nên với phong tục đón Tết trong những ngày xuân dài, thì khi nào nào trong nhà còn bánh khảo, thì chừng đó vẫn còn là Tết. Làm bánh khảo đòi hỏi phải thật khéo léo. Khi làm bánh khảo thì ai có dụng cụ cũng có thể “làm được”, nhưng muốn “ăn ngon” thì thật là kiệt tác. Người làm bánh khảo khéo léo cũng chính là người nghệ nhân.
Hạt Dẻ Trùng Khánh: Nhờ điều kiện không khí mát lành cùng thổ nhưỡng trời ban nên cây hạt dẻ ở Trùng Khánh nhiều và ngon. Hạt dẻ Trùng Khánh thường nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, vỏ lụa rất mỏng, hạt màu vàng sẫm, bùi và thơm ngậy đặc biệt. Để chế biến các món ăn thường vỏ hạt dẻ rất cứng nên muốn nó chín cần phải luộc kỹ. Có người còn cẩn thận khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm tự nhiên. Từ đó người chế biến có thể ninh hạt dẻ với chân giò như một món hầm, có thể xay bột hạt dẻ làm nhân bánh, có thể hấp hạt dẻ để ăn như kiểu người ta hấp hạt mít…
Mận Bảo Lạc: Các vùng miền ở Cao Bằng đều trồng mận nhưng huyện Bảo Lạc là địa phương trồng được loại mận ngon nhất. Mận Bảo Lạc khi chín có màu đỏ (được người dân địa phương gọi là mận máu), vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt dịu. Không chua là đặc điểm riêng biệt của loại mật này.
Lê Đông Khê: Đông Khê là một địa danh gắn liền với một chiến thắng vang dội của quân và dân ta thời kháng chiến chống Pháp năm 1950 (Chiến dịch biên giới Đông Khê, Cao Bằng – 1950 ). Vùng đất này có điều kiện thời tiết vô cùng thích hợp cho một loại cây trồng cho quả ngọt mát, thơm ngon để trở thành đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Đó là quả lê. Đã từ lâu Lê Đông Khê nổi tiếng ngọt thơm được biết đến là đặc sản Cao Bằng lừng danh khắp chốn. Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Nguồn: cung.info